(TTO) - Không chỉ là địa điểm lý tưởng để lặn biển ngắm san hô và thám hiểm các ghềnh đá hiểm trở, cù lao Cau (còn gọi là Hòn Cau, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) còn có một lễ hội Nghinh Ông thu hút nhiều ngư dân địa phương và du khách tham gia.
Nửa đêm xem lễ thiêng
Vào đêm rằm tháng 4 hằng năm tại Hòn Cau lại xuất hiện hàng ngàn người khua chiêng gióng trống khai lễ - mở hội và ăn uống ca hát thâu đêm suốt sáng.
17g. Tiếng trống khai hội liên hồi vang vọng đảo hoang. Hàng ngàn người từ các bãi biển tập trung về nơi phát ra tiếng trống. Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy trên hòn đảo hoang vu có một đền thờ cổ kính. Vị chủ tế, tên Trần La, nói: “Tui không biết xây từ hồi nào, nhưng đoán nó gần 100 năm rồi”. Theo một vị cao niên trong ban tổ chức, hàng trăm năm trước có một “Ông” lụy vào đây, người dân địa phương đã làm lễ chôn cất, lập đền thờ và lễ hội này cũng bắt đầu từ đó.
Sau phần nghi lễ, một kiệu có bài vị “Ông” được hàng chục chàng trai khiêng đi. Trong lúc chiếc kiệu len lỏi giữa những khối đá hoang sơ, tiếng trống và chiêng không ngừng rền vang. Khi kiệu đặt trang trọng trên bãi cát cách miếu cổ chừng 500m, chủ tế đứng hướng mặt ra biển, tay cầm những cây nhang nghi ngút khói, miệng lâm râm khấn vái cầu cho quốc thái dân an, biển được mùa, ngư dân được bảo vệ...
Vị chủ tế vừa dứt lời, tiếng chiêng hòa với tiếng trống nổi lên. Lập tức một đội múa hát bả trạo trong trang phục lính thủy ngày xưa, vai đeo gươm, tay cầm mái chèo, đứng xếp hàng thành hình chiếc thuyền thực hiện những động tác chèo thuyền, kéo lưới ... Trăng rằm tháng 4 đỏ rực nhô lên mặt biển. Xa xa, vô số tảng đá nhấp nhô lờ mờ. Sóng biển lấp lánh ánh trăng. Đảo thêm phần huyền bí. Hàng ngàn người chia thành nhiều nhóm ca hát, ăn uống trên bãi cát hoặc tảng đá phẳng.
2g sáng, tiếng trống lại nổi lên báo hiệu giờ chánh lễ. Bên dưới bóng đèn điện tỏa ánh sáng vàng yếu ớt, trước bàn thờ đầy lễ vật và khói nhang nghi ngút, vị chủ tế thành kính đọc văn tế cầu mong “Ông” phù hộ độ trì cho dân làng khỏe mạnh, đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, ghe thuyền đầy tôm cá...
Thám hiểm ghềnh đá hiểm trở
Để tham dự buổi lễ này chúng tôi đã đến làng chài Phước Thể trước đó một ngày, thời điểm mà khoảng 500 gia đình ngư dân nhộn nhịp chuẩn bị ra Hòn Cau dự hội. Đi nhờ chiếc ghe của người địa phương, chúng tôi được sống trong không khí lễ hội cùng các ngư dân. Sau 40 phút rời cảng, vượt 4 hải lý, tàu cập bến Hòn Cau. Đập vào mắt chúng tôi là hòn đảo dài 1.500m, chỗ rộng nhất 700m, nơi cao nhất chừng 10m, có bề mặt rất bằng phẳng và phủ đầy cây cỏ dại thấp tè, có cảm giác như đứng trên một sà lan màu xanh khổng lồ nổi giữa biển. “Đảo này không có dân sinh sống, chỉ có một doanh trại lính biên phòng và hai quán bán hàng cho khách du lịch thôi”, chủ ghe nói.
Sau bữa trưa thịnh soạn với bốn món: cá giấy um, cá cơm kho tộ, mực hấp gừng và canh chua, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình thám hiểm quanh đảo lúc 14g30. Lộ trình khoảng 4,5km chỉ toàn ghềnh đá được hình thành bởi hàng triệu tảng đá đủ mọi hình dáng và kích cỡ. Trong đó, ghềnh đá phía nam có nhiều khối đá khổng lồ vươn cao gần 30m so với mực nước biển và có hình thù giống như một tác phẩm điêu khắc.
Chuyến thám hiểm khá vất vả khi phải băng qua tảng đá cheo leo, nghiêng mình lách qua khe đá hẹp, nhưng những người trong đoàn đều quên hết mệt nhọc bởi cảm giác thích thú trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Đến giữa ghềnh đá, chúng tôi phát hiện một vịnh nhỏ tuyệt đẹp với bãi cát cong và dài chừng 20m, nước trong vắt, được bao bọc bởi hai ghềnh đá vươn xa ra biển. Không ai bảo ai, nhiều người trong đoàn bắt đầu leo xuống để thả mình vào dòng nước mát lạnh của biển...
Theo Đăng Khoa (báo Tuổi Trẻ)
Travel79.net
No comments:
Post a Comment