Saturday, May 31, 2014

Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Kỳ 5

Ngọn hải đăng chủ quyền

(TTO) - Ngày 26-10-1937, ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa. Để thực hiện được công trình này, việc khảo sát được tiến hành rất công phu trước đó với sự tham gia của các nhà khoa học ở Viện Hải dương học.

Theo báo cáo chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa (tháng 10-1937) do ông Gauthier soạn thảo, lịch sử hàng hải ở biển Đông ghi nhận nhiều vụ tai nạn trong quần đảo Hoàng Sa. Năm 1895, tàu hơi nước Le Bellona của Đức bị đắm. Năm tiếp theo, tàu Imezi Maru của Nhật bị đắm. Năm 1910, tàu Colombo mắc cạn trong rạn san hô. “Cũng phải kể đến thời gian gần đây, tàu For Afric của Anh bị đâm thủng, nước vào hầm tàu, trong rạn Bạch Quy, may mắn là biển êm nên có thể đánh tín hiệu SOS chờ được tàu cứu hộ đến từ Hong Kong nhưng vẫn bị từ chối, cuối cùng tàu La Marne phải lai dắt tàu này về Đà Nẵng” - báo cáo viết.

Việc xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa đã được tính đến từ năm 1899. Trong báo cáo của toàn quyền Đông Dương gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 20-3-1930 viết: “Tôi cũng nói thêm rằng Đông Dương còn có một lợi ích khác về việc làm chủ các đảo đó (quần đảo Hoàng Sa). Vị trí địa lý của đảo buộc các tàu từ Sài Gòn đi Hong Kong phải vòng ra xa để tránh những vùng có nhiều đá ngầm. Như ông De Monzie nêu trong bức thư mà ông đã vui lòng chuyển cho tôi, một trạm TSF (điện báo vô tuyến), dự báo những trận bão đặt trên các đảo đó, sẽ rất có ích cho hàng hải trong vùng nước Đông Dương.

Về vấn đề này, có lẽ không phải là vô ích nếu nhắc lại ngay từ đầu năm 1899, ông toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã yêu cầu các sở kỹ thuật của thuộc địa nghiên cứu việc xây dựng một ngọn hải đăng trên một trong các hòn đảo. Chỉ vì các lý do ngân sách đã gây cản trở cho việc thực hiện dự án này”.

Chọn địa điểm

< Bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, trên bia có khắc dòng chữ tiếng Pháp có nghĩa "Cộng hóa Pháp - Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa 1816, đảo Hoàng Sa 1838.

Để khảo sát xây dựng hải đăng, tháng 10-1937, tàu La Marne tới quần đảo Hoàng Sa đã đánh dấu trên bản đồ những vị trí nguy hiểm, các lòng chảo và nơi các tàu bị đắm ở đảo Rạn Bắc, đảo Bông Bay và mũi góc đông nam của quần đảo. Báo cáo của ông Gauthier tường trình: “Nếu chiếu theo bản đồ có thể thấy được những tuyến đường hàng hải lớn đi qua quần đảo Hoàng Sa. Đó là tuyến Singapore - Hong Kong: nếu đi qua phía đông hoặc phía tây của quần đảo Hoàng Sa sẽ giảm được khoảng 20 hải lý trên tổng số chiều dài đoạn đường 1.440 hải lý.

Tuyến Sài Gòn - Hong Kong: nếu đi qua phía tây quần đảo Hoàng Sa sẽ giảm được 25 hải lý trên chiều dài đoạn đường 960 hải lý. Tuyến Hải Phòng - Manila: đi ra ngoài hành lang của đảo Hải Nam và đi bọc theo phía bắc hoặc phía nam của quần đảo Hoàng Sa, ví dụ như đi bọc ở phía nam quần đảo Hoàng Sa có thể giảm được 60 dặm trong số 900 dặm. Để hành trình không bị gián đoạn, chú ý đến các tuyến đường chính nơi có hai vị trí rạn ngầm nguy hiểm, nên cần thiết chỉ đặt hai đèn biển trong tổng số bốn cái ở Rạn Bắc và đảo Bông Bay”.

Ông Gauthier đề nghị cây đèn biển hình tháp dự kiến làm bằng kim loại, các phần sẽ được làm trước ở đất liền và phải tính đến khả năng vận chuyển từ đất liền ra, cần thiết phải sử dụng một tàu trọng tải lớn và đi hai chuyến vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 6 (đây là thời kỳ gió mùa đông bắc và thời kỳ giữa hai đợt gió mùa nên biển lặng). Giai đoạn đầu sẽ tổ chức sắp xếp công trường xây dựng và xây dựng đê quai xung quanh để thi công phần móng công trình, giai đoạn hai là vận chuyển lắp ráp tháp kim loại, đặt đèn và vận hành thử. “Kiến trúc của ngọn hải đăng này có thể sẽ giống với ngọn hải đăng ở Cù Lao Ré (Poulo Canton), xây trên một bãi cát, độ cao của hải đăng là 50m, chiếu sáng đến 26 hải lý. Ngọn đèn sẽ là đèn tự động sử dụng năng lượng gas” - báo cáo của ông Gauthier viết.

< Trạm thu phát sóng đài radio và trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1940).

Việc lựa chọn địa điểm đặt hải đăng cuối cùng được cân nhắc giữa hai đảo Tri Tôn và Hoàng Sa. Việc đặt ngọn hải đăng trên đảo Tri Tôn, nơi có vị trí gần với bờ Đông Dương nhất, sẽ thuận lợi cho các tàu của Pháp. Thế nhưng, địa hình đảo Tri Tôn không ổn bởi đây là một đảo tròn, nổi đơn độc và cao, sóng lừng tấn công bốn mặt của đảo, các cơn sóng có thể ập vào phá hủy các tập đoàn san hô quanh đảo. Mặt khác, khi thủy triều xuống chậm, đầm ở giữa lộ ra và bên giữa đầm có các độ sâu không dưới 100m, vấn đề này sẽ cản trở tàu neo đậu tại bến Paul Bert cũng như việc bốc dỡ hàng hóa.

Các khảo sát về sau được thực hiện ở đảo Hoàng Sa. Đảo Hoàng Sa hoàn toàn có thể tiếp cận do hai con lạch dẫn vào ở mặt phía nam của đảo. Đảo này còn được thiên nhiên bảo vệ sự tấn công của sóng lừng phía đông bắc do rạn bảo vệ bao quanh rất rộng và tạo thành nơi trú ẩn trong gió mùa tây nam. Vị trí dự định đặt hải đăng nằm ẩn sâu ở trung tâm mặt phía tây của quần đảo.

Trong khi phía bắc được hạn chế bởi một eo biển sâu ngăn cách với đảo Hữu Nhật, đây là tuyến đường mà các tàu đến từ Đông Dương dễ dàng đi vào quần đảo. “Tóm lại, đặt một ngọn đèn biển ở góc phía nam của mũi tây quần đảo đôi khi sẽ điều khiển cả con lạch giữa các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và con lạch ngăn đảo Quang Hòa với rạn Hải Sâm. Trong đêm tối, tàu thuyền có thể đi vào quần đảo dễ dàng từ các hướng” - ông Gauthier đề xuất.

< Trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.

Vì những lý do nêu trên, đoàn khảo sát thống nhất đệ trình lên toàn quyền Đông Dương việc xây dựng ngọn hải đăng ở đảo Hoàng Sa thay vì tại đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa.

Hoàn thành

Theo báo cáo của ông Raoul Sérène (1953) trong tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học, vào ngày 26-10-1937, tàu Paul Bert và tàu Astrolabe đã vận chuyển người và vật liệu phục vụ công trình xây dựng đèn biển. Công việc lắp đặt đèn, các cọc hoa tiêu do kỹ sư Martinet chỉ huy và mọi việc giám sát do ông Don Carli - trưởng máy tàu Paul Bert - đảm nhiệm. Sau bốn ngày làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, thủy thủ đoàn tàu La Marne kết thúc công việc lắp đặt. Để phục vụ công trình, 70 tấn vật liệu đã được vận chuyển ra quần đảo Hoàng Sa, trong đó có 6 tấn kim loại.

Cột hải đăng được đúc bằng bêtông đứng trên một dải cát san hô, đã được tính toán chịu được gió lốc xoáy (300 kg/m2). Ngọn đèn sẽ cháy thường xuyên liên tục trong sáu tháng bằng gas xúc tác, nhiên liệu chứa trong một bộ gồm mười ống kim loại được thiết kế bên trong cột tháp. Độ chiếu sáng của hải đăng là 12 hải lý trong điều kiện thời tiết bình thường. Với kích cỡ của tháp, nếu cần thiết có thể chiếu xa thêm 2 hải lý bằng cách thêm nhiên liệu sử dụng. Khi ngọn hải đăng được thắp sáng, tàu bè dễ dàng đi lại giữa các rạn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm.

Bằng radio Kienan, thuyền trưởng tàu La Marne đã thông tin cho Service Maritime và các nhà hàng hải về việc đã đặt ngọn hải đăng trên đảo Hoàng Sa.

Trạm TSF và trạm khí tượng

Theo ông Raoul Sérène, sau chuyến khảo sát Hoàng Sa trở về, ông Bonnaire đã có thảo luận với đại tá Galin - giám đốc Sở Vô tuyến Đông Dương và ông Galin kết luận rằng cần thiết đặt một trạm sóng ngắn nối thông tin giữa đảo Hoàng Sa và đất liền. Ông Galin cũng đề xuất sơ đồ xây dựng trạm vô tuyến phục vụ một phần cho công tác của trạm khí tượng. Liên quan đến vấn đề này, ông Bruzon - giám đốc Trạm quan trắc Phù Liễu - khẳng định việc thành lập trạm khí tượng rất quan trọng vì sẽ cung cấp thông tin thường xuyên về thời tiết, bão ở biển Đông. Dự kiến hai viên chức được tuyển dụng với chế độ ưu đãi, một về radio và một về khí tượng, sẽ đảm nhiệm các công việc này trên đảo, đồng thời kiêm nhiệm việc bảo dưỡng ngọn hải đăng.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
Travel79.net

No comments:

Post a Comment