(TTVN) - Thay vì đến với các lăng tẩm, đền đài, ghé sông Hương núi Ngự... Huế còn rất nhiều điểm du lịch sinh thái mới, hấp dẫn mà bạn nên khám phá. Một trong những điểm đến thú vị đó là Cồn Tè.
Cồn Tè là vùng đất ngập mặn nằm đối diện cửa biển Thuận An, thuộc địa phận xã Hương Phong, huyện Hương Trà. Từ ngày công trình cầu – đập Thảo Long được đưa vào sử dụng, nơi đây trở thành một điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách đi theo nhóm bạn bè hoặc gia đình.
Từ trung tâm TP Huế đi theo quốc lộ 49 về hướng Thuận An, đến cầu Diên Trường (xã Phú Tân, huyện Phú Vang) rẽ trái, đi thêm chừng 5 km nữa là du khách đã đến với Cồn Tè.
< Hạ lưu sông Hương trên đường đi Cồn Tè.
Những hồ nước ngập tràn hoa súng trắng và cỏ lau sẽ là khung cảnh tuyệt đẹp để bạn chụp vài tấm ảnh lưu niệm cho chuyến hành trình đầy thú vị này. Cồn Tè còn được xem là vành đai trú ẩn của ấu vùng thủy sản vùng nước lợ nên mảnh đất này trông giống một khu bảo tàng thu nhỏ. Thủy triều rút, bên những lạch nước con con là dải đất nâu điểm xuyến màu xanh của sú, bần trắng. Chiều về, đám trẻ nhỏ ở thôn Thuận Hòa B cần mẫn tìm bắt những chú ốc, còng…
Dọc đường đến Cồn Tè là khung cảnh vừa thanh bình lại rất đỗi quen thuộc của làng quê Việt với bờ đê, con đò, những đàn bò nhẩn nha gặm cỏ bên đầm phá Tam Giang mát mẻ. Vào những ngày nắng nóng bạn có thể ghé chân vào một trong những “đặc sản Cồn Tè”, ngồi trên những căn nhà chòi bốn bề lộng gió, thưởng thức vô vàn món ngon từ đầm phá như tôm, mực nướng, cá hồng, cá mú tươi ngon mới bắt lên từ phá Tam Giang, bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến.
Vào những buổi chiều tà, khi ánh hoàng hôn buông xuống, đầm phá Tam Giang như được khoác lên mình một chiếc áo màu vàng lấp lánh. Sóng nước mênh mông trong ánh vàng của hoàng hôn làm cho chúng ta liên tưởng về một bài hát nổi tiếng của Nguyễn Thiện Thanh: Chiều trên phá Tam giang. Liên tưởng một nỗi nhớ về thành phố, nơi cách chúng ta không xa về không gian, nhưng lại khác hẳn về khung cảnh...Giờ này thương xá sắp đóng cửa người lao công quét dọn hành lang. Giờ này thành phố chợt bùng lên để rồi tắt nghỉ sớm...
Nếu mỏi mệt, hãy dừng chân ở những quán ăn nằm ven hồ nuôi tôm. Đây là lúc bạn và những người thân thưởng thức sản vật của đầm phá. Một bếp than để nướng những chú tôm còn nhảy tanh tách hoặc lựa những chú cá mú, cá hồng còn bơi lượn trong lưới tạo nên niềm phấn khích cho mọi người.
Theo các ngư dân có kinh nghiệm, sở dĩ đầm phá Tam Giang có nhiều cá ngon là do nguồn nước luôn được luân lưu, môi sinh trong sạch. Mặt khác, đây cũng là vùng duy nhất trong phá Tam Giang còn lại loài rong hẹ (còn gọi rong cỏ kiệu) là thức ăn số một và cũng là nơi sinh cư lý tưởng của các loài cá con như cá mú, cá hồng, cá dìa, cá kình và cá nâu. Các loài cá ở phá Tam Giang rất ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Người Huế thường gọi chúng là những “con cá thuốc bắc”, bởi thịt cá có chức năng như một liều thuốc an thần nhẹ, chống mất ngủ và giảm tress rất hiệu quả.
Đặc biệt, các món cá kình, cá nâu, cá dìa hấp mồng tơi ở đây vẫn được lưu truyền là loại thuốc trị chứng mất ngủ hiệu quả.Các loại cá trên cũng đặc biệt ngon, bổ khi được nấu cháo. Khi những hạt gạo đã bắt đầu nở búp trong nồi, nước cháo sôi sùng sục, những chú cá ong, cá dìa, cá nâu tươi nguyên còn giãy đành đạch, được tẩm qua gia vị thả ào vào soong. Hương thơm bốc lên ngào ngạt. Húp bát cháo cá tươi quyện trong vị cay nồng của hành hương, mồ hôi trong người toát ra, mọi độc tố tồn đọng trong cơ thể dường như được tống khứ. Toàn thân nhẹ hẫng một cảm giác sảng khoái lâng lâng...
Về với Cồn Tè bạn có thể mắt thấy, tai nghe, tay sờ đến cái gọi là “sự sống xanh” ở vùng đầm phá này.
Theo Khánh Chi (Thể Thao Việt Nam)
Travel79.net
No comments:
Post a Comment