(VTC) - Ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã Xa Dung (Điện Biên Đông, Điện Biên), cho biết: Xã tôi cũng có nhiều người lấy hai vợ đấy. Biết rằng lấy hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng xã bất lực ngăn chặn.
"Mình đẹp trai kéo vợ hai dễ lắm!"
Xã Xa Dung nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông khoảng 30km. Chuẩn bị cuộc hành trình, chúng tôi vào trạm xăng nạp nhiên liệu cho con “ngựa sắt” Wave Alpha thì được một người bản địa thốt lên: “Các anh có bị điên không? Lên Xa Dung mà đi xe này chỉ có khóc dọc đường. Nắng lên thì may chạy được mấy đoạn xuống dốc, còn mưa xuống đừng nói đi mà đẩy cũng chẳng xong". Rồi anh ta khuyên nên thuê chiếc xe Win may ra bò lên được. Nghe vậy, đành đổi "ngựa".
Rời trung tâm huyện chừng được 3km, y rằng lời nói người bản địa đúng thật. Trước mặt chúng tôi là con đường cấp phối rộng chừng 3m, đất đá lổm chổm hết lên dốc rồi đổ đèo. Ông Vừa Xô Dày, Chủ tịch UBND xã Xa Dung, vui vẻ: “Các chú khá đấy chứ. Người dân bản địa mỗi lần xuôi xuống huyện đã ngán nhưng các chú lên được tận đây”.
Gặp ông hỏi về đời sống kinh tế bà con xã thế nào, ông liền than: “Ở xã có 20 bản, trong đó người Mông (chiếm 80%) và người Thái (20%) sinh sống. Nhưng tình trạng đẻ nhiều khiến cuộc sống các hộ gia đình thiếu ăn thường xuyên. Đặc biệt, phong tục đa thê xẩy ra. Bởi người Mông có quan niệm “mười gái chẳng bằng một trai”. Do đó, kéo tụt mọi thành quả, nỗ lực thoát nghèo của chính quyền xã”.
Cầm tờ giấy, ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã thống kê, Xa Dung có 8 người đàn ông lấy hai vợ, ba vợ. Ông Xá phân trần: “Biết lấy hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng xã bất lực ngăn chặn. Từ bao đời này người Mông có phong tục vợ cả không có con trai thì lén lút cưới vợ hai về “thi đẻ” với vợ cả kiếm con trai nối dõi”.
Để mục sở thị những người đàn ông đa thê, chúng tôi tìm đến ông Chá Già Lử (48 tuổi, bản Xa Dung B). Gặp ông, chúng tôi đùa: “Bọn em đến gặp bác học hỏi kinh nghiệm về dưới xuôi lấy hai vợ”. Nghe xong ông đáp: “Mình ưng thì lấy thôi, ở đây mình lấy vợ công khai mà. Hai vợ ngủ chung, ăn chung, làm chung một nương hết nhưng cơm lành canh ngọt”.
Ông Lử kể, khi mới 18 tuổi ông theo đám thanh niên trong bản đi chơi và kéo bà Mùa Thị Tùng (bản Chua Ta, Mường Lạn, Tuần Giáo, Điện Biên) về. Ở với nhau 5 năm, bà Tùng sinh cho ông 3 đứa con gái thì “tịt đẻ” luôn. “Người Mông không sợ đói, chỉ sợ không có con trai thôi. Mình đang khoẻ mạnh, đẹp trai thì kéo vợ hai dễ lắm”, ông Lử tâm sự.
Đã có với bà cả 3 đứa con, nhưng ông Lử phải lòng bà Vừa Thị Khua (SN 1964) ở cùng bản. Bà Khua đã có hai đứa con, chồng chết sớm. Từ đó, cứ ba năm hai đứa, trong vòng 15 năm bà Khua sinh cho ông 5 đứa con (2 trai 3 gái).
Lấy hai vợ, có được con trai nhưng gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè lên đầu ông Lử. Trước đây, ông là người giàu có nhất bản nhưng nay ông “tụt hạng” do đàn con đông đúc, chưa hết mùa đã chạy ăn từng bữa. “Trước đây nhà mình nuôi nhiều trâu lắm, lúa ngô không lúc nào thiếu. Từ khi cưới vợ hai về đàn con thi nhau ra đời, chúng không có gì ăn khóc cả ngày. Để có cái bỏ miệng mình bán dần mọi thứ nay đã hết. Nhà nghèo, thiếu ăn và 10 người con đẻ và hai đứa con của vợ hai đang tuổi ăn học nhưng phải nghỉ để lên nương”, ông Lử buồn bã.
Ba vợ một giường
Với người Mông ở bản Xa Dung A, tiêu biểu trong chuyện “đa thê” phải kể đến ông Lầu Chứ Di đã lập nên “chiến tích” có 3 vợ và 8 đứa con. Đặc biệt, bao nhiêu năm chung sống nhưng chưa bao giờ ba bà có một cuộc “chiến tranh lạnh” hay tranh giành “gần gũi” với chồng.
Tìm đến nhà ông Di, từ già tới trẻ, ai cũng chỉ đường vanh vách. Và bất cứ ai sau khi nhiệt tình chỉ dẫn đều tủm tỉm hỏi lại: “Cán bộ dưới xuôi lên ạ! Đến khuyên con cháu ông Di và dòng họ Lầu đừng lấy nhiều vợ như ông đúng không?”.
Năm nay, ông Di đã bước sang tuổi 60. Vào năm 18 tuổi, ông Di kéo bà Chá Thị Dua (SN 1956) về làm vợ. Lấy nhau về được 3 năm thì bà Dua sinh cho ông hai đứa con gái và “tịt đẻ”. Không có con trai, họ hàng lên tiếng phải kéo thêm vợ hai về đẻ để kiếm con trai nối dõi. Ông Di là trưởng họ Lầu nên dứt khoát phải có con trai vì thế ông Di tiếp tục đi kéo thêm vợ nữa. Vào năm 1972, sau nhiều ngày tán tỉnh, cô Chá Thị Mỵ (SN 1965) ở cùng bản đã ưng cái bụng. Nhưng sau đó, cái miệng “dẻo” của ông Di khiến bà Sồng Thị Mỵ (SN 1963) dính vào lưới tình. Rồi họ đẻ cho ông 8 người con (3 trai 5 gái).
Tự hào về “chiến tích” có 3 vợ, ông Di tâm sự: “Để có nhiều vợ điều quan trọng là cái miệng. Mình có nhiều lúa, lắm trâu gì đâu, trong lúc có hai vợ nhưng mình nói chuyện hay các cô gái nghe lọt tai, cứ thế theo mình về làm vợ hết”. Tôi buột miệng hỏi: “Việc ông cưới ba vợ chính quyền xã họ có ý kiến gì không?". Ông Di nhanh nhảu đáp: “Biết làm sao được, ngày trước vợ mình có bao giờ ra ngoài đâu”.
Trong số ba bà thì chỉ có bà vợ cả do bố mẹ ông Di cưới có thủ tục đăng ký kết hôn đàng hoàng. Hai bà còn lại ông đều cưới “chui” hoặc cứ đến sinh sống với nhau như vợ chồng. Điều ấy dân bản biết hết và sau này chính quyền biết. Thế nhưng xã không có biện pháp ngăn chặn.
Khi hỏi ông làm sao mà để các bà không cãi nhau, tranh chồng thì ông cười: “Quan trọng là ở mình biết giáo dục chứ. Nếu biết cách thì mấy vợ cũng được hết". Rồi ông vui cười: “Ngày trước còn ở một nhà, đêm nào ba bà cũng nằm chung một giường nhưng chẳng bà nào ghen tị bà nào cả. Ba bà cùng các con ăn một mâm, ngủ cùng chồng và đi làm một nương. Lịch “gần gũi” ba bà cũng được tôi phân công rõ ràng. Theo phương thức xoay vòng, mỗi bà một ngày đêm, tuyệt đối không ai vi phạm”.
Chào ông Di ra về, ông còn đùa rằng: “Tôi xem trên phim thấy người dưới xuôi muốn lấy vợ hai kiếm con trai mà lén lút “cặp bồ” rồi mua nhà to cho bồ ở. Và cảnh người vợ cả đi tìm bồ của chồng đánh đập, có nhiều người còn giết nhau nữa. Ở đây, người Mông chúng tôi không thế đâu, ba vợ mà vẫn sống hạnh phúc, hoà thuận”.
Theo Đắc Thành - VTC New
Travel79.net
No comments:
Post a Comment