(ANTĐ) - Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng hơn 2km, nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu…, ngôi nhà xưa của thi nhân Hàn Mặc Tử nằm lọt giữa thung lũng Quy Hòa sát bên bãi tắm Tiên Sa đài các, đắm mình trong không gian yên tĩnh, trầm mặc với gió núi và sóng biển.
Đến đây du khách có thể gửi xe máy dưới chân Dốc Đá, nơi con dốc xưa Hàn thi sĩ từng qua, bước trên con dốc huyền thoại đã trở thành điểm đến của biết bao thi nhân, mặc khách. Dốc Đá lượn vòng ôm lấy sườn cuối cùng của dãy núi Xuân Vân với những rặng thông xanh mát quanh năm rì rào đùa cùng gió biển. Những câu chuyện xưa như ùa về theo tiếng thông reo khiến cho con dốc dài như trở nên ngắn lại.
Bãi tắm Hoàng Hậu nằm ở phía cuối của con dốc dài chừng 2 cây số, nơi có mỏm đá nhô ra phía biển, phía bên dưới là bãi đá trứng kỳ dị với những viên đá tròn như quả trứng khổng lồ.
Dừng chân tại mỏm đá ở khu nhà xưa, nơi Nam Phương Hoàng Hậu từng chọn làm nơi nghỉ lại, nhìn về phía bãi biển Gềnh Ráng xa tít cuối chân trời, dõi theo con sóng đùa nhau trên bãi cát dài, du khách sẽ tận hưởng cảm giác thư thái, mát mẻ của gió biển miền Trung và thư giãn đôi chân trần trên những viên đá tròn nhẵn lạ kỳ.
Bãi tắm Hoàng Hậu còn có tên gọi khác là Nhạn Châu (Bãi Nhạn). Có lẽ vì đây là nơi chim nhạn thường kéo đến tìm mồi, từng đàn, từng đàn đông đúc nên có tên như thế. Còn tên Ghềnh Ráng thì do những người đi biển đặt ra. Qua những nơi nhiều gành, lắm rạn, người ta phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại.
Từ đỉnh núi trên bãi tắm Hoàng Hậu nhìn về phía Nam như một bức tranh sơn thủy với những dải núi xanh dựng thành từng lớp, nơi cao, nơi thấp như những lớp tường thành đá. Hướng Bắc là bãi cát vàng mịn óng, thành phố Quy Nhơn hiện lên phía cuối xa của bãi cát dài. Hướng Đông là biển cả bao la một màu xanh biếc. Chếch về hướng Đông Bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa biển Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ. Xa xa về phía Đông Nam, cách Quy Nhơn chừng 5km có một đảo lớn, tên chữ là Thanh Châu, tục gọi Cù Lao Xanh.
Thả bộ đi tiếp về phía Nam theo con đường mòn ôm vào vách núi, qua những rặng thông già chừng 2km nữa, thung lũng Quy Hòa, nơi ngôi nhà xưa lúc cuối đời của thi nhân Hàn Mặc Tử hiện ra lặng lẽ trông ra bãi Tiên Sa, một bãi cát dài đẹp đúng như cái tên của nó. Ngôi nhà đơn sơ, giản dị với bộ bàn ghế, chiếc tủ gỗ và chiếc giường đơn kê gọn góc phòng. Nhưng khi bước chân vào ngôi nhà cũ, hiện lên nhiều nhất là những bài thơ khắc trên các phiến gỗ, đây là những dòng lưu bút của các “tao nhân mặc khách” để tưởng nhớ Hàn Mặc Tử. Ngôi nhà xưa giờ không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà bên bãi biển đẹp như thơ, mà hơn thế, đây là nơi tưởng niệm một thi nhân, nơi lưu giữ một tâm hồn thi sỹ.
Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940) là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam.
Hàn Mặc Tử mang vóc mình nhỏ bé, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử.
“Hàn Mạc Tử” có nghĩa : chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau bạn bè gợi ý, ông vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. “Mặt trăng khuyết” đã được “đặt vào” chữ “Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.
“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho,
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ.
Ai mua trăng tôi bán trăng cho,
Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề”…
Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô), ảnh internet
Travel79.net
No comments:
Post a Comment