Friday, May 30, 2014

Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Kỳ 4

(TTO) - Dưới đây là những trang nhật ký viết từ các đảo ở Hoàng Sa, được trích trong báo cáo “Chim biển ở quần đảo Hoàng Sa” của hai nhà nghiên cứu Jean Delacour và Pierre Jabouille (công bố năm 1928-1929), cùng ghi chép của ông Raoul Sérène về cảnh quan trên các đảo (soạn thảo năm 1937).

Ông Delacour là nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pháp, được cử sang nghiên cứu Đông Dương những năm 1925-1930. Ông Jabouille là công chức quản lý của Sở Công chánh Đông Dương, cộng tác viên của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pháp và ông Sérène là nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học những năm 1930-1952.

Nhật ký của J. Delacour và P. Jabouille

“Đảo Tri Tôn, ngày 29-6.

Chúng tôi đã thu thập được một chim mái và hai chim trống loài nhàn nâu... Nhóm chim nhàn được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và đôi khi cũng bắt gặp ở ven biển châu Âu. Nhàn nâu được phân biệt với các loài nhàn khác bởi đuôi rất dài, chẻ hai rất sâu, lông cánh và đuôi có hai màu khác nhau. Chúng bơi kém, đi khó khăn do chân ngắn, nhưng cũng giống như các loài nhàn khác, chúng bay rất nhanh và mạnh”.

“Đảo Phú Lâm, những ngày đầu tháng 7.

Đảo được bao phủ bởi tổ của loài nhàn trắng. Chúng ở trên những cây có lá rộng rất phổ biến ở đảo này, ở độ cao khoảng 4-5 m, đa số là chim non. Chúng tôi rất dễ dàng bắt được năm con chim trưởng thành vì chúng không có tỏ vẻ gì sợ hãi con người. Một nhà khoa học trong chuyến khảo sát là ông Chevey đã lấy một tổ để trên tay và chụp hình.

Loài nhàn trắng này có tên niais, có thể phân biệt với các loài nhàn khác nhờ màu sắc đậm, cánh thấp và nặng. Chúng sống giữa biển, nằm trên mặt nước, ăn những loại động vật thân mềm hay xác cá chết trôi”.

“Nhóm đảo An Vĩnh và Tri Tôn, những ngày đầu tháng 7.

Chúng tôi đã thu thập được ba con chim mái và một chim trống loài nhàn mào. Khi trưởng thành loài chim này có lông đầu toàn màu đen, ngược lại chim mái khi còn nhỏ có những chấm màu trắng phần trước trán. Loài này được biết đến bởi ông Tirant, vào năm 1875. Ông cho rằng không tìm ra loài chim này ở Vũng Tàu. Thế nhưng ở Nha Trang, người dân địa phương nói rằng loài chim này xuất hiện vào những thời điểm trùng hợp với sự xuất hiện của những đàn cá cơm, rất phổ biến ở vùng biển ven bờ VN, thường dùng làm nước mắm”.

“Đảo Phú Lâm, các ngày 2, 3 và 4-7.

Vào thời điểm mà tàu De Lanessan cập đảo, các loài chim điên chân đỏ làm tổ trên những cành cây thấp khoảng ngang đầu người, trên tổ có rất nhiều chim non. Những con chim nhàn cùng làm tổ trên đảo này, tránh ở gần loài chim điên chân đỏ và luôn giữ một khoảng cách an toàn. Vả lại cũng nên biết rằng một số loài chim biển rất giống nhau trong việc bảo tồn giống nòi, biết lợi dụng ưu thế để sống ký sinh gây hại cho loài khác kém khỏe mạnh hơn. Như các loài nhàn bị theo đuổi bởi các loài niais (Anous). Chúng thường nôn ra những con cá mà nó vừa nuốt, như vậy các loài niais tự nó là nạn nhân cho những con chim điên chân đỏ. Và đến lượt, những con chim điên chân đỏ này lại bị hành hạ bởi những con cốc biển. Có một con chim điên chân đỏ già và bị mù - những thành viên trên tàu De Lanessan đã chụp hình - luôn ở gần biển nơi mà đồng loại sẽ giúp nó thức ăn.

Chim điên chân đỏ được ghi nhận lần đầu ở Đông Dương vào năm 1925, khi được các ngư dân Cửa Việt (Quảng Trị), sau một cơn bão, đã cung cấp một con chim mái còn nhỏ”.

“Đảo Lin Côn, ngày 2-7.

Một thợ săn trong đoàn thám hiểm đã bắt được con cốc đực biển còn non, chiều dài cánh đo được 510mm. Nó có mống mắt màu nâu, mỏ màu sừng sáng, chót đen và chân có màu sừng trắng. Chúng thường xuất hiện nhiều và bay lượn trên các đảo. Đây là loài chim bay rất mạnh. Chúng bay lượn trên không thành một vòng rộng, đôi cánh rất ít chuyển động. Sự linh hoạt trong cách bay cho phép chúng đuổi theo các con chim điên chân đỏ, chim mòng biển, bắt những con này phải nôn ra những con cá hay những con mồi vừa bắt được. Mỏ chúng quặp lại làm cho chúng có vẻ tham mồi. Chúng sống ký sinh, dù rằng cũng bắt được cá chuồn bay, một loại cá mà chúng rất ưa thích. Ngược lại với phần đông chim biển khác, những con cốc biển ít khi nằm trên nước và không lặn được. Chúng chỉ bắt cá trên bề mặt nước và các loài hải sản khác, đôi khi là những con rùa non”.

Qua khảo sát của hai nhà nghiên cứu J. Delacour và P. Jabouille, ở quần đảo Hoàng Sa có tám loài chim, gồm bảy loài chim biển: nhàn nâu, nhàn mào, nhàn Sumatra, nhàn trắng, chim điên chân đỏ, chim điên chân đỏ bụng trắng, cốc biển đen và một loài chim đất liền là vành khuyên.

Ghi chép của R. Sérène

“Từ bờ biển Đông Dương có thể thực hiện chuyến du lịch tuyệt vời hai đến ba ngày đến quần đảo Hoàng Sa. Trái ngược với quang cảnh hùng vĩ của những khối đá ở vịnh Hạ Long, ở đây có những rạn san hô chìm quý hiếm và kỳ thú, cũng hấp dẫn bởi nguồn gốc của sự tạo thành và địa hình đa dạng của chúng, cũng như vẻ đẹp lạ lùng của làn nước biển bao quanh và phủ lên chúng.

Vả lại, chỉ cần làm một chuyến đến đảo Lưỡi Liềm, cập vào bãi trong, một trong các đảo và đi dọc các đảo Rạn Bắc, để có một ý tưởng chính xác về khu vực kỳ lạ này, nơi các con quỷ dữ vật lộn không mỏi mệt chống lại bức tường khổng lồ, chìm dưới làn nước trong suốt là những bồn hoa đẹp nhất mà ta có thể tưởng tượng được.

Ấn tượng càng sống động hơn khi đến quần đảo Hoàng Sa, không như người ta đoán từ xa, cũng như dự báo của những vệt hiện lên từ đường chân trời. Vì vậy, sự bất ngờ xuất hiện giữa mênh mông một màu tím ngắt - đảo Phú Lâm - với đường viền chìm sáng chói và vành đai xanh nhạt của đầm nước. Tiếp theo là các rạn vòng, không có chỗ nổi lên ở bên trong, một hàng rào tuyết bọt biển trắng xóa bao quanh các hồ nước yên tĩnh và lấp lánh màu xanh ngọc làm người ta mơ mộng đến các làn sóng nhấp nhô trên cánh đồng lúa mênh mông. Cuối cùng, các khối đá chìm hùng vĩ, dường như thẳng đứng từ độ sâu hàng trăm mét, được các con sóng ào ạt đổ ụp vào thềm lục địa được bao phủ bởi làn nước màu xanh lục.

Nếu chúng ta rời tàu và lên một trong những hòn đảo của quần đảo ở phía bờ biển khuất gió bằng thuyền, người ta còn ngạc nhiên hơn nữa. Ta nhận thấy xuyên qua lớp nước trong xanh như pha lê, từng chi tiết các san hô sống mà sự đa dạng về màu sắc và hình thái làm ta liên tưởng đến các khu vườn ở thiên đường, nơi hội tụ những kỳ hoa dị thảo đẹp nhất trên Trái đất. Khi neo thuyền bên các rạn san hô, ta có thể thấy hàng đàn cá màu sắc sặc sỡ mà các vạch sọc làm ta có cảm tưởng như có hàng bó dải lụa dài màu vàng lộng lẫy trôi theo dòng nước biển.

Vào trong đầm nước với các cảm xúc thể thao khi di chuyển qua các khối đá nâu của các con lạch khúc khuỷu, ta còn bắt gặp nhiều sự ngạc nhiên khác. Quả nhiên, có thể thu lượm được rất nhiều loại san hô. Trên mặt đất, bộ sưu tập của ta có thể được hoàn chỉnh thêm bằng cách lựa chọn những vỏ ốc bị sóng biển ném lên bờ, mà những loại này không thể tìm thấy ở ven biển lục địa.

Thêm vào những điều ngạc nhiên trên, những bãi biển kỳ thú là nơi những con rùa biển khổng lồ để lại dấu vết khắp nơi trên cát và vô số chim biển đến nghỉ ngơi sau khi bắt cá”.
Một ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa được tính đến từ năm 1899, vừa giúp an toàn hàng hải vừa hướng đến mục tiêu xác định chủ quyền.

“Sự gần gũi của quần đảo Hoàng Sa với bờ biển Đông Dương bắt buộc chúng ta phải thận trọng và chúng ta không thể chấp nhận sự có mặt ở đây của các thế lực nước ngoài, mà chương trình bành trướng của họ có thể gây nguy hại đến thuộc địa Đông Dương của chúng ta” (Trích báo cáo của ông R.Sérène, quyền viện trưởng Viện Hải dương học, gửi toàn quyền Đông Dương năm 1953)

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
Travel79.net

No comments:

Post a Comment