Sunday, February 23, 2014

Núi Châu Thới - Bình Dương

Núi Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Biên Hoà 4km, thị xã Thủ Dầu Một 20km, thành phố Hồ Chí Minh 24km. Núi được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia ngày 21/04/1989.

< Núi Châu Thới, nhìn từ bờ sông ở Biên Hòa.

Di tích danh thắng núi Châu Thới cao 82m (so với mặt nước biển), chiếm diện tích 25ha nằm ở vùng đồng bằng gần khu dân cư của các tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí danh thắng này rất thuận tiện cho việc tham quan, du lịch, vì gần các thắng cảnh, khu vui chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (thuộc Biên Hòa)...

< Hồ dưới chân núi.

Sách “Gia Định Thành Thông Chí" đã viết: “Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” cũng miêu tả khá rõ núi và chùa Châu Thới gần giống như trên: “Núi Chiêu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía Nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành.

< Chùa trên núi.

Khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Tĩnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đột khởi một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà của nhân dân ở quanh theo. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân, đạo Hoà Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Châu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển”.

Trong lòng nhiều người, núi Châu Thới vẫn gắn liền với Biên Hòa - Đồng Nai. Vậy nhưng nếu nói núi Châu Thới là danh thắng của Đồng Nai là không đúng do ta cần xét theo... 'hộ khẩu' bởi vì núi Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

< Lên núi bằng những bậc thang đá.

Thế nhưng với những người lớn tuổi ở Biên Hòa, Đồng Nai thì núi Châu Thới ở Biên Hòa, bởi vì từ xưa tới giờ là vậy. Dĩ An thuộc Biên Hòa, chỉ mới tách ra để thuộc Bình Dương sau này thôi.

Nếu xét theo vị trí địa lý, núi Châu Thới chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hòa có 4 km, trong khi cách thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới... 20 km. Đi dọc bờ sông Đồng Nai ở Biên Hòa, ngó qua bên kia sông là đã thấy núi Châu Thới, còn ở Thủ Dầu Một thì đố mà thấy!

Còn điều này nữa cũng quan trọng không kém: Con sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa ngày xưa mang tên Phước Long giang (con rồng mang phước). Người xưa nói rằng đầu rồng ở khu du lịch Bửu Long, với 2 ngọn núi Long Sơn và Bình Điện.

Núi Bình Điện có chùa cổ Bửu Phong ở trên được ví là hòn ngọc châu ngậm trong miệng rồng. Con rồng này uốn lượn quanh Biên Hòa, và khúc đuôi rồng nhô lên chính là núi Châu Thới. Hic, như vậy nguyên con rồng ở Biên Hòa, Đồng Nai, còn cái đuôi ló lên lại ở Bình Dương???

< Hoặc lên bằng đường xe hơi.

Bạn có muốn tiêu dao ra ngoài cửa tục không? Vậy hãy lên núi Châu Thới một chuyến nhé!
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, bạn đi theo đường Nguyễn Ái Quốc (quốc lộ 1K) về hướng Sài Gòn, qua cầu Hóa An khoảng 3km bạn sẽ thấy bên trái bảng đề Châu Thới Sơn Tự. Rẽ vào đây, bạn có 2 đường lên núi: Một con đường là đi bộ lên 220 bậc đá, một đường là đi xe máy (hoặc xe hơi) vòng theo sườn núi để lên đỉnh.

Chọn đường nào là tùy bạn, dĩ nhiên là đi xe thì khỏi mỏi chân, nhưng đi bộ có cái thú ngoạn cảnh hay lắm bạn ạ!

Núi Châu Thới chỉ cao 82 mét. Trên núi có ngôi chùa cổ là Châu Thới Sơn Tự, tương truyền được xây dựng từ năm 1681. Châu Thới Sơn Tự được dựng từ năm 1662 trên nền cũ của một thảo am. Lúc bấy giờ sư Khánh Long - người lập chùa - đặt tên "Hội Sơn Tự". Sau vài đời trụ trì đổi thành Châu Thới Sơn Tự như ngày nay.

Kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 1954, tam quan xây dựng năm 1970. Ngôi chánh điện được Hòa thượng Viện chủ Thích Huệ Thông và Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thiện tổ chức đại trùng tu từ năm 1992 đến năm 1995.

Chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ và tượng qúi như bộ tượng Di-đà Tam Tôn và tượng Phật Thích-ca bằng đồng, cao 3m, bộ tượng Thập bát La-hán, Thập Điện Minh Vương bằng đất nung, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng gỗ mít và một số tượng Phật, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh. Chùa là một danh lam thắng cảnh của Bình Dương, hằng năm đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Travel79.net

No comments:

Post a Comment