Wednesday, February 12, 2014

Mồng 7, lết thếch về Cần Giuộc (P2)

(Tiếp theo) - Toàn huyện Cần Giuộc có diện tích 210,198 km², dân số 172.329 người, mật độ dân số 820 người/km² (2012); được chia thành 17 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó thị trấn Cần Giuộc là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của huyện.

< Rời trung tâm thị trấn Cần Giuộc, bọn mình hướng về xã Trường Bình theo QL50.

Các đơn vị còn lại là: xã Phước Lý, xã Long Thượng, xã Phước Hậu, xã Phước Lâm, xã Mỹ Lộc, xã Tân Kim, xã Trường Bình, xã Thuận Thành, xã Long An, xã Long Phụng, xã Đông Thạnh, xã Tân Tập, xã Phước Vĩnh Đông, xã Phước Vĩnh Tây, xã Long Hậu, xã Phước Lại.

< Ảnh là bùng binh vòng xoay ngã 5 Mũi Tàu. Không khí tết vẫn còn loảnh thoảng đâu đây, ít ra cũng thể hiện trên những hoa mai trang trí....

Thị trấn Cần Giuộc nằm ở giữa huyện Cần Giuộc và cũng là khu trung tâm huyện, phía Bắc giáp xã Tân Kim; phía Đông giáp xã Phước Lại; phía Nam giáp xã Trường Bình. Rời Cần Giuộc, mình vẫn theo QL50 vào địa phận xã Trường Bình, thuộc tỉnh Long An.

< Mùa này, lúa đã gặt hết nên các ruộng trơ chân mạ.

Xã Trường Bình gồm 4 ấp: ấp Phước Thuận, ấp Kế Mỹ, ấp Hòa Thuận 1, ấp Hòa Thuận 2, diện tích: 10,220 km², dân số trung bình: 10.903 người, mật độ dân số 1.067 người/km².

< Chạy ngang qua ngã 3 mới QL50, đây là đường tránh vào nội ô Cần Giuộc. Bây giờ, đa phần từ các thị trấn trở lên đều có đường tránh để các chuyến xe Bắc Nam có thể chạy thẳng, tiện nhỉ.

Xã Trường Bình nằm giữa huyện Cần Giuộc: phía Bắc giáp xã Tân Kim và thị trấn Cần Giuộc, phía Đông giáp xã Phước Lại, phía Đông Nam giáp xã Phước Vĩnh Tây, phía Nam giáp xã Long An và xã Thuận Thành, phía Tây giáp xã Phước Lâm, phía Tây Bắc giáp xã Mỹ Lộc.

< Chạy thêm một đoạn, qua cầu Mồng Gà (vị trí tại đây) là vào địa phận xã Thuận Thành.

< Thêm dăm cây số nữa lại đến cầu Chợ Trạm. Địa danh 'Chợ Trạm' không biết từ đâu nhưng danh từ này được đặt tên cho trường học, nhà thờ, thậm chí cả 'ngả 4 Chợ Trạm' mà ai cũng biết.

< Qua cầu là bọn mình đã vào địa phận Cần Đước: cổng chào của huyện kia rồi.

Theo lịch sử xửa: Năm 1698, đất Cần Đước thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định, rồi trấn Phiên An (1808).

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Cần Đước thuộc huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm 1867, Cần Đước là huyện của phủ Phước Lộc, tỉnh Gia Định. Năm 1871, phủ Phước Lộc sáp nhập vào tỉnh Chợ Lớn.

< Phía phải đường vẫn còn đỏ au cờ nước, cờ đảng.

Năm 1928, Pháp lập quận Cần Đước thuộc tỉnh Tân An. Ngày 24 tháng 04 năm 1957, quận thuộc tỉnh Long An, gồm 3 tổng: Lộc Thành Thượng với 6 xã, Lộc Thành Trung với 4 xã, Lộc Thành Hạ với 6 xã. Ngày 07 tháng 02 năm 1963, quận Cần Đước đổi tên thành Cần Đức. Ngày 17 tháng 11 năm 1965, quận lấy lại tên Cần Đước, các tổng đều mặc nhiên giải thể.

< Rồi mình nhìn thấy tấm bảng trước ngã 3 này: Rẽ trái là đi Gò Công, còn phải thì vào trung tâm thị trấn Cần Đước. Đường rẽ trái cũng là đường tránh trên QL50. Mình đi Long Hựu nên quẹo trái hướng Gò Công.

Sau 30 tháng 04 năm 1975, Cần Đước là huyện của tỉnh Long An. Từ cuối năm 2004, huyện Cần Đước bao gồm Thị trấn Cần Đước và 16 xã: Long Trạch, Long Khê, Long Định, Phước Vân, Long Cang, Long Sơn, Long Hoà, Tân Trạch, Phước Tuy, Tân Ân, Tân Chánh, Mỹ Lệ, Tân Lân, Phước Đông, Long Hựu Tây, Long Hựu Đông.

< Đường tránh Cần Đước thía này đây: chưa kẻ đường, phẳng phiu...
Vị trí đường này tại đây.

< Theo cột ven đường thì còn 8km nữa là đến Mỹ Lợi.

Mỹ Lợi là bến phà, còn gọi là phà Cầu Nổi. Từ năm 2008, đã từng có dự tính phát triển dự án xây cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ nối liền quốc lộ 50 (từ TP.HCM về Gò Công, Tiền Giang) nhưng không triển khai được. Mãi đến ngày 25-1-2014 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải mới làm lễ khởi công xây dựng cầu Mỹ Lợi trên sông Vàm Cỏ nối tuyến quốc lộ 50 qua hai tỉnh Long An và Tiền Giang theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) với chủ đầu tư mới.

< Phút dừng nghỉ chân ven đường.

Dự án có tổng chiều dài cầu và đường là 2,7 km cho bốn làn xe lưu thông với tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án là 1.438,9 tỉ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành xây dựng sau 18 tháng thi công và thời gian thu phí là 28 năm 4 tháng.

Đây là dự án giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của hai tỉnh Tiền Giang, Long An và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khi hoàn thành chiếc cầu này sẽ thay thế phà Mỹ Lợi.

< Hướng chụp ngược lại phần đường mình đã qua: rẽ trái là đi Cần Đước, phải là về Sàigòn. Vậy nhưng khi mình về chưa chắc đã đi đường ni.

< Lên đường thôi em. Chuyến nhỏ, hành trang hết sức gọn nhẹ chỉ với 2 chai nước tinh khiết và chiếc áo mưa. Mùa này khó mà mưa, vậy nên món này chỉ dành để trải ngồi nếu có chốn đáng ngắm.

< Lúc dừng nghỉ, do muốn chắc ăn nên 'nửa kia' đã ghé vào nhà dân hỏi đường... chỉ để khẳng định rằng mình đi đúng. Có lẽ không còn xa...

< Chuẩn bị vượt cây cầu lớn, mới xây: đây là cầu Cần Đước.

Cần Đước ngày nay là vùng sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh Long An. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện được chia thành hai vùng:
- Vùng thượng bao gồm các xã: Long Trạch, Long Hòa, Long Khê, Phước Vân, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Long Cang, Long Sơn, Long Định chuyên canh lúa và rau màu.

< Trời ửng vàng hay máy con của mình đổ vàng? Chắc do cả hai...

- Các xã vùng hạ như: Tân Chánh, Phước Đông, Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây phát triển ngành thủy sản, chủ yếu là tôm và cá.

< Mà vàng cũng phải: hai bên đường tràn ngập gốc rạ đổ vàng sau một mùa bội thu, thứ cây trồng cho ra những hạt lúa cũng vàng luôn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt 17%. Thu nhập bình quân đầu người trên 13,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đa dạng, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, môi trường sản xuất của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

< Đàn vịt trong ao thi nhau cạp cạp, hả hê sau buổi mót lúa. Cảnh thanh bình ghê nha.
À, lúc này mới nhận thấy nền đường được kẻ vạch chỉnh chu.

Mặc dù có phát triển về kinh tế, nhưng nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Cần Đước vẫn còn ở mức trung bình, một số xã vùng sâu còn nhiều khó khăn như: Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm chưa đáng kể; tỷ lệ học sinh bỏ học ở vùng sâu còn diễn ra; một số tiêu chí về trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia chưa cao; đầu tư nâng cấp giao thông nông thôn còn hạn chế (điều này bạn sẽ thấy trong những phần sau).

< Rồi bọn mình thấy con đường lớn cắt ngang, đây cũng chính là QL50 theo hướng từ trung tâm thị trấn Cần Đước ra.
Mình rẽ trái...

< QL50 đoạn ni rộng rãi và đường tốt. Chả bù các đoạn bé tẻo teo lúc qua các xã Phong Phú, Đa Phước, Tân Kim...

< Ngã 3 Long Hựu đây rồi, theo hướng mình đi thì lại phải rẽ trái vào (vị trí nơi này tại đây).
Đường phía ngoài tốt quá... nhưng rẽ vào đây chỉ thấy bụi và bụi phía xa...

< Chạy tiếp nữa thì thấy bụi và đá - hóa ra đường rải đá dăm...
Vậy nhưng đường vẫn còn tốt chán nếu so với những đoạn đường 'cà tưng' trong các bài sau, hi hi...

Đây là con đường dẫn đến cầu vào đảo Long Hựu. À, chính xác hơn phải gọi là đường dẫn ra bến đò Long Hựu, vượt ngang kênh Nước Mặn. Từ đường này, người ta trổ nhánh lên cầu Kinh Nước Mặn mới xây để qua đảo.
Xem như thưởng thức tý bụi đường mà...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Travel79.net

No comments:

Post a Comment