Nơi đây có những con người đến để thi gan cùng trời đất. Có những người, đã vùi lấp cả tuổi xuân để Pha Đin thêm xanh…
< Trên vùng núi cao, có một khoảng trời mang tên Pha Din...
Truyền thuyết về một cuộc tranh giành
Sống lâu nhất ở đây là một người có khuôn mặt như chính cái tên của ông: Phạm Văn Dị. Để gặp được ông Dị, phải leo qua một đồi thông lên tít tận đỉnh trời chẳng khác nào một khu rừng già với những gốc đào rừng một người ôm. Ông Dị bảo rằng tôi là khách lạ đầu tiên lên đây kể từ dịp một khách Tây đi du lịch bị mất hết đồ đạc lên xin ngủ nhờ. Bất kể là ai ông đều quý như nhau bởi đơn giản là “thèm người để nói chuyện lắm”.
Quê Dị mãi tận Thái Bình. Từ nhỏ mặt đã bị dị tật nên bỏ xứ lên Điện Biên sinh sống. Dần dần ông được nhận vào làm ở ngành viễn thông. Hơn mười năm nay một mình ông lầm lũi lên đỉnh đèo làm bạn với mấy chiếc máy phát. Công việc nặng nhất của người đàn ông này là đóng bật cầu dao điện. Có lẽ chính sự buồn tẻ ấy đã biến ông thành một pho sử sống về đỉnh Pha Đin.
< Ông Dị.
“Thuở mới lên đây chỉ một mình nên sợ lắm. Đường sá đi lại không có. Người dân tộc đi rừng thấy tôi họ cứ trố mắt nhìn. Cũng là người Nhà nước hẳn hoi nhưng cuộc sống chẳng khác mấy so với người rừng. Hết việc làm lại lang thang vào các bản nằm rải rác ở lưng đèo tìm mấy cụ trưởng bản nghe kể chuyện về cái nơi mình sẽ gắn bó này”. Ông Dị bảo, đèo Pha Đin từng xảy ra những cuộc chiến.
Ông nghe dân bản địa kể rằng người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin.
Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phía Sơn La.
Một truyền thuyết khác cũng kể lại rằng: Xưa trên đỉnh Phạ Đin có một nàng con gái xinh đẹp tuyệt trần. Nàng bị tranh chấp bởi hai lãnh chúa trong vùng. Một cuộc chiến diễn ra để tranh giành người đẹp, cuối cùng hai lãnh chúa đi về hai hướng và hết lương thực nên chọn đỉnh đèo làm mốc phân chia không bao giờ được xâm phạm lẫn nhau.
Chuyện xưa chỉ nghe kể nên “pho sử Dị” chẳng dám chắc. Nhưng có những chuyện ông dám chắc thì hẳn bất cứ ai nghe cũng thấy buồn. Ông dẫn tôi đi xa hơn lên phía đồi thông. Hai ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên được phát hiện trong một lần công nhân làm đường mấy năm trước. Cách đó chừng một cây về phía dốc đèo là tấm bia ghi lại một sự kiện lịch sử. Lễ tết ông lại lên nhang khói và trò chuyện với vong linh người đã khuất. “Và chẳng biết trong lớp đất đá này còn bao nhiêu người ngã xuống chưa được tìm thấy. Nếu họ lên trò chuyện với tôi cho đỡ buồn thì hay biết mấy”. Ông Dị nói xong rồi nhìn sang mấy tảng đá bên cạnh khiến tôi thấy lành lạnh ở sống lưng.
Nhà ông ở Điện Biên. Mỗi tháng được về nhà một ngày để thăm gia đình và chuẩn bị lương thực. Một lần về như thế ông phải cõng tất tần tật cho một tháng. Gạo, thịt, mỳ tôm lên chất vào tủ. Chỉ thỉnh thoảng mới cải thiện được bữa ăn tươi thì phải vào rừng hái rau hoặc xuống chân đèo mua của dân bản.
Lâu lắm gia đình hoặc cơ quan mới có người lên thăm. Phần vì bận rộn mưu sinh, phần nữa họ sợ con đèo dài đằng đẵng và độ dốc chẳng khác nào lên trời từ đỉnh đèo lên nơi ông sống. Thành thử bạn với ông là một con mèo. Chỉ có điều là con mèo ấy bao năm không lớn nổi vì thời tiết ở đây khắc nghiệt quá. Đào rừng cũng trốn rét đến cuối tháng Giêng mới bắt đầu hé nụ ra hoa.
Cuộc gặp gỡ người đàn bà kỳ lạ
Cuộc rượu thâu đêm với ông Dị trên đỉnh Pha Đin tôi được nghe kể về một người đàn bà kỳ lạ. Một người mà ông bảo: “Không sợ trời, không sợ đất chỉ sợ Pha Đin không giữ được màu xanh". Đó là một người phụ nữ 38 tuổi, xinh đẹp và có lối nói chuyện đâu ra đấy. “Tên Trần Thị Thủy, quê ở Hà Tĩnh. Lên đây vì tình yêu với Pha Đin”. Chị bắt đầu câu chuyện một cách gọn gàng như thế.
Tôi xin phép được gọi chị là người phụ nữ gan lỳ. Chẳng gan sao được khi nghe chị kể rằng hơn chục năm về trước đỉnh Pha Đin hoang vu này chỉ có một mình chị và…sên. Ngày đó Thủy còn là một cô gái đầy sức sống, có trong tay nhiều điều bất cứ người phụ nữ nào cũng phải mơ ước. Tuổi trẻ, sắc đẹp, tiền bạc, gia đình…
< Chị Thủy.
Quê chị ở Hà Tĩnh nhưng cả nhà chuyển ra TP Sơn La làm ăn. Đang yên vị ở một Cty kinh doanh thì đùng một cái Thủy báo tin cho gia đình là mình lên sống ở… đỉnh đèo.
Bà Điểm, mẹ chị nghe xong như muốn quỵ. Còn cậu em trai đang học đại học ở Hà Nội vội vàng nhảy xe về nằng nặc bắt gia đình đưa bà chị của mình đi xem bói thử có bị ma làm không. Nhưng đã quá muộn. Khi Thủy thông báo với gia đình thì chị đã hoàn tất thủ tục mua lại đất trên đỉnh đèo của một cán bộ về hưu.
Ngày Thủy lên, gia tài là một túp lều cỏ tranh và vài con bò thả rong làm vốn. Sương muối, rét cắt cộng với lũ sên dày như tấm rải ở các cánh rừng khiến đàn bò của chị chỉ làm bạn với chủ được vài tháng rồi rủ nhau chết sạch. Chưa hết, mấy lần cuốc nương xong chị ngủ lại lều.
“Có hai lý do để tôi đến với đỉnh Pha Đin. Thứ nhất, con đèo này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nơi ngã xuống của nhiều bộ đội. Tôi yêu hình ảnh người bộ đội. Bố tôi cũng là bộ đội nên tôi xem nơi đẻ ra hình ảnh “anh gánh chị thồ” trong thơ Tố Hữu hết sức thiêng liêng. Muốn làm một cái gì đó cho con đèo lịch sử. Thứ hai là vì tôi lãng mạn. Thích cuộc sống giữa ngàn mây hư hư thực thực này”.
< Những nấm mồ liệt sỹ được chị Thủy quy tập về.
Sáng ra hai bắp chân chi chít đám sên no máu không buồn nhả. Khóc chẳng ai nghe, la hét mãi cũng khản giọng. Đành quệt nước mắt, tẩm nước bọt xoa lũ sên xong phải chạy xuống chân đèo mua thuốc uống. Gặp ông chủ tịch xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) khi ấy, chị còn được khuyên: “Mày về đi. Không thành công được đâu. Con gái có thì, mày sẽ chôn vùi hết ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy thôi con ạ”.
Chỉ có chị tin rằng đỉnh Pha Đin sẽ không bạc đãi với lòng thành. Và cái cách đối phó của Thủy với sên cũng lạ lắm. Lũ sên hút máu nên chị chuyển sang trồng cây với suy nghĩ "chỉ có cây mới không bị sên cắn, mới chống chịu nổi với thời tiết khắc nghiệt ở đỉnh đèo”.
Thế mà thành công. Ban đầu là những cây ngắn ngày như ngô, sắn… Vừa giữ đất, vừa có tiền để tiếp tục giấc mơ. Khi ngô sắn đã đủ để duy trì cuộc sống, Thủy bắt đầu đi trồng thông. Một tay người phụ nữ ấy lật từng viên đá nhan nhản giữa rừng lau lách. Thỉnh thoảng Thủy còn nhặt được cả…vỏ đạn. Cây thông trồng trên đất đá đỉnh đèo mất gấp đôi thời gian bình thường để lớn. Đã có lúc chị nhìn cây thông còi cọc rồi rơi nước mắt thương cho thân gái. Nhưng hình ảnh người bộ đội, giấc mơ đỉnh Pha Đin lại thôi thúc vượt lên. Đất không phụ lòng người. Cây èo uột mãi rồi cũng lớn.
Trớ trêu khi cây thông vừa nhô lên khỏi những tảng đá thì một mối đe dọa khác lại ập đến. Cháy.
“Xung quanh đỉnh đèo chủ hầu hết là người Mông. Họ thích sống cao và đốt nương làm rẫy. Không ít lần đám thông của Thủy họa lây từ những lần đốt nương của đồng bào. Lại phải đi vận động, xin dân bản đừng phát nương cạnh đỉnh đèo…”.
Mảnh đất hoang sơ cứ thế xanh dần, đến lúc trong tay người phụ nữ này có vài chục ha rừng trồng thì mới ớ ra mình đã là…tỷ phú.
“Phải. Tôi có tiền tỷ. Nhưng với điều kiện là bán hết khu rừng đỉnh đèo này cho một người khác. Còn hiện trong túi chỉ có vài đồng bạc lẻ. Bao nhiêu tiền của làm ra tôi đều đổ hết vào đỉnh Pha Đin này rồi. Có cả những ông chủ nước ngoài muốn mua lại khu này với giá gần 3 tỷ đồng. Nhưng nói thật, tôi chẳng bao giờ bán mảnh đất đã lấy đi của tôi tất cả. Tình yêu, tuổi trẻ, sắc đẹp và rất nhiều tiền bạc”.
Truyền thuyết về đèo Pha Đin có một cuộc tranh giành giữa tỉnh Lai Châu cũ và Sơn La. Chẳng thể ngờ đến tận hôm nay cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Chẳng biết họ giành nhau khu đất tiền tỷ hay giành cô gái kỳ lạ tên Thủy. Chỉ biết rằng toàn bộ khu đất rừng rộng hơn 200 ha của Thủy một nửa thuộc Sơn La, một nửa thuộc Điện Biên. Mọi chuyện chưa rõ ràng, nhưng Thủy bảo với tôi rằng chị vẫn tiếp tục thực hiện giấc mơ. Giấc mơ về một Pha Đin không bê tông cốt thép. Giấc mơ biến đỉnh đèo thành một Sa Pa thứ hai. Tôi tỏ ý lo ngại về vấn đề kinh tế thời buổi bây giờ chỉ quyết tâm thì không đủ.
Đến lúc này chị mới “khai” rằng mình đã từng phải giấu mẹ mang mấy chỉ vàng của gia đình đi bán. “Khó khăn? Tất nhiên. Nhưng tôi không chấp nhận những sự cộng tác chỉ vì tiền. Tôi muốn tìm một địa chỉ có chung tình yêu Pha Đin với mình. Tôi đối với nơi này chỉ có một thứ duy nhất: Đó là tình yêu”. Với một người đã bỏ phí cả tuổi xuân và hạnh phúc ở nơi này thì tôi tin rằng những lời ấy chắc chắn xuất phát tận đáy lòng.
Thủy từng một lần thất bại trong tình yêu. Đó là khi gia đình anh chàng người yêu là một kỹ sư nông nghiệp chê nhà chị nghèo, là gia đình nông thôn. Nhưng chị cũng nói rằng chính vì được sinh ra ở nông thôn mới giúp chị đứng vững ở ngọn đèo khắc nghiệt này. Có lẽ đó cũng là một phần khiến người đàn bà có gia tài tiền tỷ này…sợ tiền. “Đồng tiền nhũng nhiễu ghê lắm. Tôi sợ nó và sợ luôn những người muốn hợp tác đầu tư. Sợ rằng một ngày họ sẽ vì lợi nhuận mà phá vỡ Pha Đin như tôi mơ ước”.
Chia tay tôi, Thủy rút từ đống giấy tờ cũ nát ra một bài thơ mà chị viết từ những đêm mòn mỏi một mình trong túp lều ở đỉnh đèo này. Chị còn nói sẽ viết tiểu thuyết. Tôi chợt nghĩ, riêng đời người đàn bà cũng đã là một cuốn tiểu thuyết quá hay rồi.
Theo Hoàng Sang – H.Anh (Vietnamnet)
Travel79.net
No comments:
Post a Comment