Monday, February 17, 2014

Miền Trung khai hội Cầu Ngư

(VnExpress) - Cứ vào tháng Giêng, nhiều làng chài tại các địa phương lại tưng bừng tổ chức ngày hội Cầu Ngư với mong muốn một năm trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Lễ hội Cầu Ngư, thờ cúng Cá Ông là một nét văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân chài lưới ven biển miền Trung. Tục thờ Cá Ông (cái voi) đã tồn tại lâu đời nay, trong dân gian, cá voi là một loài cá thần, thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả, “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá này. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép dưới hình thức lễ hội Cầu Ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá Nam.

Tại Huế, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương (huyện Phú Vang) được diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội năm nay được tổ chức lớn vì theo truyền thống của làng là “tam niên đáo lệ”, tức sau ba năm mở hội lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương có từ hơn 500 năm trước, được tổ chức với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, mọi nhà làm ăn phát đạt, đồng thời, bày tỏ lòng nhớ ơn vị khai canh làng là Trương Quý Công.

Cùng chung không khí đó, lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng đã diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch với nhiều hoạt động sôi nổi.

Ông Nguyễn Đăng Dương (Thanh Khê Tây, Đà Nẵng), một trong những người tham gia lễ bái chính cho biết: “Cầu Ngư là lễ hội lớn của ngư dân Đà Nẵng, vào ngày này hàng năm, mọi người cùng tổ chức lễ cúng để cầu mong một năm trời yên biển lặng, mùa màng bội thu”.

Lễ hội thường được diễn ra trong hai ngày. Vào ngày lễ chính, làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Hình thức múa hát đặc trưng của lễ hội Cầu Ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ, vừa là hoạt động nghệ thuật.

Bên cạnh các nghi lễ còn có phần hội. Mỗi địa phương có những hình thức tổ chức khác nhau nhưng chung lại đều có những trò chơi dân gian vùng biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng, thi đan lưới, … Các đêm văn nghệ cũng được tổ chức phục vụ bà con xem hát tuồng, hát hò khoan, hát bài chòi, hát bội.

Ngoài tháng giêng, lễ hội Cầu Ngư còn được tổ chức tại các địa phương vào tháng tư âm lịch như tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) vào ngày mồng 3. Đối với các tỉnh Phan Thiết, Bình Thuận, Khánh Hòa thì lễ hội thường diễn ra vào tháng 6 âm lịch.

Lễ hội cúng Cá Ông có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Từ đó, người dân luôn tin rằng cá Ông là vị thần luôn phò trợ, giúp sức cho người đi biển.

Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn Thần”, ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung.

Lễ hội Cầu Ngư không chỉ là môt phong tục tập quán mà còn lưu giữ tín ngưỡng dân gian mang nét đẹp văn hóa, tôn giáo của ngư dân Việt Nam. Lễ hội thể hiện ý thức "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề. Thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

Theo Thùy Trang (VnExpress)
Travel79.net

No comments:

Post a Comment