Tết phượt lên bản cao mà say nhạc đuống của cô gái Thái, Mường... mà tận hưởng nét văn hóa đặc biệt có ý nghĩa phồn thực sâu xa. Đuống vừa là chiếc cối giã gạo cung cấp lương thực hàng ngày, đuống vừa là nhạc cụ không thể thiếu trong những sự kiện lớn của người Thái như lễ hội mừng xuân, mừng được mùa, mừng nhà mới…
Ở Việt Nam, nhiều dân tộc có đuống, nhưng chiếc đuống dài là đặc trưng của dân tộc Thái, được tạo ra bằng việc khoét thân gỗ tròn thành hình thuyền, dài khoảng 1 - 2m. Ban đầu, đuống chỉ dùng để giã gạo. Theo chuyện được người Thái lưu truyền từ nhiều đời nay, chiếc đuống đã có từ xa xưa, trước cả khi những người đàn ông đi đánh giặc làm đuống để phụ nữ Thái ở nhà có thể giã gạo nuôi gia đình và nuôi quân. Khi đồng bào đánh Tây, chiếc đuống cũng góp phần cung cấp lương thực cho tiền tuyến...
Chiếc đuống dài được chia làm 2 phần, một chiếc cối nhỏ ở phần đầu và một khoang dài phía sau. Ở khoang dài ấy, người ta bỏ bông lúa vào, giã cho ra những hạt lúa, rồi bỏ những hạt lúa ấy lên chiếc cối nhỏ để giã thành gạo. Mỗi chiếc đuống dành cho vài ba người, thậm chí 12 người cùng giã một lúc. Ngày nay chức năng giã gạo bằng đuống đã giảm hẳn, nhưng đuống còn mang một chức năng khác, là nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Đuống có thể làm bằng các loại gỗ khác nhau. Nếu làm bằng gỗ phèn, loại gỗ vốn cứng, thì tiếng đuống vọng xa, nghe sẽ rất hay, nhưng ở gần thì nghe tiếng kêu không được dài; nếu làm bằng gỗ lim, thì đuống có tiếng kêu bộp, cốc, nghe thô hơn. Tiếng đuống sẽ hay nhất và vang xa khắp cả một vùng nếu đuống làm bằng gỗ vàng trăng...
Không phải mọi gia đình người Thái đều có đuống, mà phải là gia đình có người chồng siêng năng. Bởi làm đuống mất nhiều công sức và thời gian, từ cây gỗ tròn, phải đẽo gọt tỉ mỉ, lại phải có kỹ thuật đẽo. Nếu đẽo mỏng thì đuống kêu to nhưng sẽ dễ vỡ, đuống dày tùy theo gỗ mà tiếng kêu to hay không, có đuống làm ra không kêu.
Cũng bởi âm thanh phát ra phụ thuộc vào loại gỗ, độ dày mỏng của đuống, nên mỗi đuống có một âm thanh riêng. Ngày nay, do gỗ ngày càng khan hiếm, và đòi hỏi có kỹ thuật, đầu tư nhiều thời gian, nên lớp trẻ hầu như không ai còn biết làm đuống...
Không chỉ là một nhạc cụ, đuống còn là đạo cụ chính trong các sự kiện quan trọng của người Thái. Đánh đuống thường do phụ nữ đảm nhiệm. Trong những dịp lễ tết, mọi người từ già tới trẻ tập hợp quanh chiếc đuống. Người già sẽ cầm chày đánh đuống trước, rồi mới tới người trung tuổi, sau đó tới lớp trẻ. Khi chỉ là tiếng chày giã gạo thì nhịp điệu đơn điệu, khô khan, nhưng khi có khoảng 8 - 10 người đánh, đuống sẽ tạo ra những giai điệu hay, cho ra nhiều bản nhạc khác nhau.
Nhịp đâm đuống được đổi theo “Kênh kình, kênh kình”, “kênh kênh kình, kênh kình”, “kình kình, kình kình”… Tất cả tạo nên bản hòa nhạc bằng cối giã gạo. Thường có 4 giai điệu phổ biến, được đặt theo tên các ngày lễ tết, sự kiện, là: mừng xuân, mừng lúa mới, mừng nhà mới, đám ma. Khi đánh đuống, mỗi người sẽ dùng chày gõ vào đuống theo kiểu khác nhau, người cầm chày giã bên trong đuống, người gõ bên thành ngoài, người giã trước, người giã sau, phối hợp nhịp nhàng để hòa thành một bản nhạc độc đáo.
Học đánh đuống không dễ. Chị Đinh Thị Nguyệt, thành viên Đội cồng chiêng, đánh đuống của người Thái, Nghệ An chia sẻ: “Tôi học tới 4 - 5 năm mới có thể đánh đuống. Khi học, trước hết phải nghe tiếng chày của các chị, các mẹ gõ, xem nhịp phách như thế nào, có bao nhiêu nhịp, bao nhiêu phách. Khi đã nghe được rồi, mới đặt chày xuống gõ xem đã đúng chưa.
Lúc đầu gõ sẽ không đều, cần gõ nhiều mới đúng nhịp. Đặc biệt, trong nhiều kiểu đánh đuống, như gõ đan 3, gõ đan 8, gõ dệt vải, đan khung cửi... thì gõ đan 3 rất khó, phải học nhiều thì mọi người mới có thể gõ hay và đổi vị trí cho nhau”. Bởi vậy, có tới 50% trong số lớp trẻ dân tộc Thái hiện nay không hiểu và không thể đánh đuống, không nghe được giai điệu...
Để giữ gìn tiếng chày khua đuống của người Thái, chị Nguyệt cho biết, một số lớp dạy đánh đuống cho các em nhỏ đã được mở. Đồng thời, Đội cồng chiêng, đánh đuống của người Thái Nghệ An cũng tham dự các sự kiện như Festival Cồng chiêng Quốc tế ở Gia Lai, Kon Tum, Đại hội các dân tộc tỉnh Nghệ An lần thứ nhất, hay trong các chương trình của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... để quảng bá, giới thiệu loại nhạc cụ độc đáo này tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Travel79.net
No comments:
Post a Comment