Tuesday, February 25, 2014

Đặc sản vùng biển Thái Thụy

(BGO) - Nếu ai đó có về thăm Thái Thụy, hãy thưởng thức gỏi nhệch một lần, bảo đảm món ăn này sẽ chiều lòng được cả những thực khách khó tính nhất.

< Nộm sứa ở Thái Thụy.

Là huyện ven biển, Thái Thụy không chỉ nổi tiếng là địa phương có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, nhiều điểm du lịch sinh thái, văn hoá tâm linh hấp dẫn như: cồn Ðen, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn ven biển với nhiều loài chim, hải sản quý hiếm, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh... mà còn được nhiều du khách biết đến với 2 món hải sản biển đặc trưng là nộm sứa và gỏi nhệch.

Khắp dọc bờ biển Việt Nam, nộm sứa-gỏi nhệch là 2 món ăn có ở nhiều nơi, tuy nhiên ở mỗi nơi có hương vị, đặc trưng riêng. Còn với người dân Thái Thụy, họ vẫn truyền tai nhau câu nói: "Nếu về Thái Thụy mà chưa thưởng thức nộm sứa, gỏi nhệch thì coi như chưa từng về” và nó như một lời mời chào hấp dẫn, khó du khách nào nỡ lòng từ chối. Nộm sứa hay còn gọi là gỏi sứa là món nộm sử dụng nguyên liệu chính là sứa bắt từ biển về đã được sơ chế. Sứa có rất nhiều ở vùng biển Thái Thụy, trông nó giống như thực vật nhưng lại là động vật thuộc loại xoang trường cùng họ với san hô.

Những ngư dân nơi đây cho biết: thân sứa trong suốt như thủy tinh, mềm mại như chiếc lá, mang đủ màu sắc từ xanh dương, hồng cho đến tím nhạt. Sứa chứa tới 95% là nước, nếu đem phơi nắng suốt 12 giờ liền thì toàn thân sứa sẽ mỏng như tờ giấy. Mùa hè là mùa sứa nổi, nhiều nhất là vào tháng 4, tháng 5, từng thảm sứa di động trên mặt biển trông như vườn hoa sặc sỡ. Sứa không có mắt, vây, tai, đuôi và cũng không có xương. Xưa kia, người dân đi biển gặp sứa thì bắt về làm sạch ngâm với sú vẹt để vài tháng không hỏng, ăn dần hoặc đem bán lẻ ở các chợ. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nộm sứa trở thành món ăn đặc sản xuất khẩu ra nước ngoài, ở Thái Thụy có cả đội tàu đi thu gom sứa, hàng chục cơ sở chế biến sứa hình thành ở 6 xã, thị trấn ven biển.

Ðể có được món nộm sứa ngon, quy trình chế biến rất cầu kỳ. Sứa bắt về sơ chế sạch, ướp với muối phèn. Sau một thời gian, những miếng sứa ngậm muối bỏ ra ép thành tấm như chiếc bánh đa. Sứa đã ngâm muối phèn thường dai và dòn không nhũn như sứa ngâm sú vẹt theo phương pháp dân gian truyền thống. Người ta kỳ công cắt cẩn thận sứa ra thành từng miếng mỏng, chần qua nước sôi rồi đem xếp ra đĩa. Hành tây thái nhỏ cũng chần qua nước sôi, sau đó vắt khô cùng với sứa đem trộn đều với thịt gà xé nhỏ, mực hoặc thị bò khô, lạc, dừa nạo, lá chanh, một chút rau húng. Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải dòn, thơm và khô, khi thưởng thức thực khách cảm nhận được vị giòn tan của sứa, quyện với vị đậm đà nước mắm cốt, ngầy ngậy của lạc, thơm dịu ngọt của dừa và một chút vị biển của mực khô. Nộm sứa là món ăn mát, giải nhiệt nếu ai đã từng một lần ăn nộm sứa Thái Thụy vào mùa hè chắc chắn sẽ lưu giữ mãi hương vị thanh mát của món hải sản đặc trưng vùng quê này.

Cùng với nộm sứa, gỏi nhệch ở Thái Thụy cũng là món ăn đặc sản, hương vị đặc trưng khó quên. Nhệch không phải cá, không phải lươn, cũng không phải rắn và sống được cả ở nước ngọt và nước mặn. Người đời thường bảo: "lươn bung, nhệch rán” thì đắc sách nhưng với người dân Thái Thụy nhệch rán vẫn chưa là gì. Muốn biết thế nào là nhệch thì phải đến tận đất này, ra đón dân chài tận bến tranh mua được chú nhệch cơm tươi ngon, đem về rửa bằng nước vôi trong lọc kỹ cho sạch nhớt và săn thịt, lau khô, mổ bụng bỏ ruột rồi rửa lại nhệch với nước. Dùng khăn bông lau vuốt cho thật sạch rồi bỏ đầu đuôi, lóc xương, thái thịt nhệc thành miếng nhỏ có khía lát mỏng. Thợ làm nhệch giỏi phải là những người có bàn tay điệu nghệ lát nhệch thành miếng nhỏ mỏng như tờ giấy.

Tiếp đó, đến công đoạn ướp gia vị. Muốn có gỏi nhệch ngon phải có bí quyết cân đối tỷ lệ trộn các loại gia vị với thịt tạo thành một hương vị gỏi nhệch đặc trưng. Trước tiên, đem riềng giã nhỏ, bỏ hết xơ, thính gạo, chanh, hạt tiêu xay trộn với thịt nhệch thái mỏng cho vào vải xô sạch gói lại, ép cho thật kiệt nước đến khi miếng thịt ngấm gia vị cả trong lẫn ngoài, thật săn và dẻo. Ép xong, lấy ra cho các gia vị vào trộn đều một lần nữa để lên đĩa. Gỏi nhệch bắt buộc phải ăn kèm với các loại lá: cúc tần, vọng cách, đinh lăng, mùi tàu, húng quế, lá sắn, lá sung, si, hoa chuối, quả chuối xanh, khế, ớt... với đủ các vị: chua, cay, đắng, chát, thơm bùi...

Khi ăn, thực khách tỷ mẩn gói từng miếng gỏi với lá rồi chấm với dấm mắm tôm đặc trưng, nhai thật kỹ sẽ cảm nhận được vị vừa ngọt, vừa dòn, vừa dai, vừa thơm, vừa mát của gỏi nhệch. Ở vùng biển Thái Thụy hiện nay, nhệch ngày càng trở nên quý hiếm và đắt khách.

Thị trấn Diêm Ðiền và Thụy Xuân là 2 nơi làm gỏi nhệch nổi tiếng với hàng chục cửa hàng nhưng vẫn không đủ phục vụ nhu cầu, muốn có gỏi nhệch ngon có người phải đặt trước cả tuần. Nếu ai đó có về thăm Thái Thụy, hãy thưởng thức gỏi nhệch một lần, bảo đảm món ăn này sẽ chiều lòng được cả những thực khách khó tính nhất.​

Theo báo Bắc Giang
Travel79.net

No comments:

Post a Comment