< Đường từ QL50 vào Kênh Nước Mặn là đường đất, rải đá...
Phước Đông nếu tính theo vùng sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh thì thuộc xã vùng hạ. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện được chia thành hai vùng như sau...
< Lưng tưng, lạo xạo... và bụi tung mù mỗi khi có chiếc xe nào chạy qua. Vậy nhưng đường ni có tên đàng hoàng đấy nhé, đây là tỉnh lộ 826B.
- Vùng thượng bao gồm các xã: Long Trạch, Long Hòa, Long Khê, Phước Vân, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Long Cang, Long Sơn, Long Định chuyên canh lúa và rau màu.
- Các xã vùng hạ như: Tân Chánh, Phước Đông, Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây phát triển ngành thủy sản, chủ yếu là tôm và cá.
< Đến một nhánh rẽ phía trước (vị trí tại đây). Đây là ngã 3 Bình Hòa - Phước Đông hay ngã 3 Bình Hòa - Long Hựu. Mình chạy thẳng vì Long Hựu phía trước.
À, bạn xem lại tấm ảnh đầu tiên, bên phải: nơi ni cũng có nhà nghỉ đó thấy không? Vậy nên đi 'phượt' thì chả nên ngại không chốn nghỉ nha. Ngay cả nhiều nơi thuộc dạng 'hóc bà tó' trên đường HCM còn có nhà nghỉ kia mà?
< Ven đường có những mảnh ruộng trơ chân rạ, chờ đốt đồng - cày ải cho vụ sau...
Vậy nhưng nếu nói theo địa hình thì ngược lại: nơi đây thuộc vùng thượng. Nguyên nhân là do Cần Đước có địa hình hơi nghiêng về phía biển Đông, bao gồm 2 phần:
< Một số ít mảnh khác lại xanh đến mướt mắt, lúa trái vụ à?
- Phần đất liền còn gọi là vùng thượng bao gồm phần lớn diện tích huyện (trong đó có xã Phước Đông).
- Phần "ốc đảo" còn gọi là vùng hạ, nằm tách biệt với vùng thượng bởi kênh Nước Mặn nối với rạch Đào, bao gồm hai xã: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây. Vùng hạ có địa hình khá thấp, lại nằm gần biển, nên đất nhiễm mặn.
Thượng, hạ - hạ thượng... nghe nhức đầu nhỉ, nhưng đó là nguồn chính thống và ta chỉ xem cho tỏ tường. Riêng chuyện vùng hạ chuyên canh ngành thủy sản thì đúng ở phía tiếp Tây Nam, nơi có rất nhiều ao hồ nuôi trồng tôm cá cạnh sông, giáp với các xã Tân An và Tân Chánh. Mảng còn lại, ta sẽ thấy ruộng đất bao la cò bay thẳng cánh.
< Còn đường thì vẫn thẳng tít tắp: Xèng! chạy hoài hổng tới hỉ! Nếu được phép so sánh, con đường ni sẽ tựa như con lộ từ Hòa Thắng đi Phan Rí Cửa theo đường ven biển.
Tuy nhiên, lộ ven biển thì một bên là biển cả ì ầm vỗ sóng còn bên kia là những đụn cát sa mạc mênh mông, đẹp đến tuyệt vời. Còn ở đây chỉ có những gốc rạ, hi hi...
< Kia rồi, đã đến ngã 3 cầu. Từ đây, chạy thẳng là đến bến đò Long Hựu còn quẹo trái là lên cầu Kinh Nước Mặn vắt qua con kênh cũng tên này.
Xã Phước Đông còn có Khu công nghiệp Cầu cảng cùng tên. KCN này sở hữu một lợi thế đặc biệt về giao thông thủy do phía Đông giáp kênh Nước Mặn, phía Nam giáp sông Vàm Cỏ còn phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu dọc theo đường tỉnh 826B...
< Mà ngộ nha: ngoài kia là đường đất thì vào nhánh rẽ lên cầu, đường được láng nhựa. Có lẽ tiền làm cầu 'dư' nên thi công luôn đoạn ngắn này cho nó oai, hi hi...
... Đây không chỉ là một phần trong khu vực được chọn để tái bố trí hệ thống cảng biển của Tp. HCM trong thời gian tới mà còn là điểm nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
< Cầu kia rồi, một cây cầu lớn. Trước khi có nó, người dân 2 bên bờ phải qua lại bằng đò.
< Do khoảng không thông thuyền cao nên cầu cũng phải cao và dài.
Cầu Kinh Nước Mặn bắt qua Kinh Nước Mặn nối liền Cù lao Long Hựu với phần đất liền thuộc địa phận huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cầu được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Cty Cổ phần Cầu 12 Cienco I thi công. Khởi công xây dựng ngày 24 tháng 7 năm 2008, đến ngày 1 tháng 9 năm 2010 thì thông xe kỹ thuật.
< Lất phất những lá cờ đầy màu sắc chào mừng năm mới.
Cầu Kinh Nước Mặn có tổng chiều dài 1.175 mét, trong đó phần cầu chính 409,2 mét, đường dẫn 2 bên cầu dài 765,8 mét, rộng 12 mét, chiều cao thông thuyền 9 mét, chiều rộng thông thuyền 40 mét. Cầu có 9 nhịp, Trong đó 3 nhịp chính liên tục lần lượt dài 60 mét, 90 mét và 60 mét bằng bêtông cốt thép M500. Hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.
< Dòng kênh Nước Mặn lững lờ trôi. Hồi thời khó khăn (198x): dân 'vượt biên' bị rốp ở đây nhiều lắm đấy. Họ theo ghe chèo nhỏ từ kênh Tàu Hủ ra đây (lúc ấy gọi là tắc xi) rồi chuyển tàu lớn hơn vượt sông Vàm Cỏ để ra cửa Soài Rạp vượt biển...
Giờ đây, đất nước thay đổi và phát triển nhiều thì đó đã là chuyện xưa, hi hi...
< Mình đang chộp ảnh chiếc ghe. Nghĩ tiếc, nếu hồi sáng ni không format thẻ nhớ trong máy thì nó còn chứa khối ảnh đẹp đã chụp khi lang thang trong 3 ngày đầu xuân - cái thẻ dung lượng cả chục G mà, hic...
< 2 chiếc ghe cột chung chạy cặp đôi như cặp tình nhân rảo bước trên đường đời lặng lẽ.
< Tối, trên đây chắc mát ra phết! Đèn đường không xài điện lưới nha, bạn thấy trên đỉnh cột có tấm panel thu năng lượng mặt trời. Mong cho nó bền... 100 năm nữa!
Đây là hướng trong đất liền, tức là hướng ngược.
< Chơi một tý rồi đi, ảnh là hướng đảo Long Hựu với nhiều nóc nhà phố khá bề thế.
Cù lao Long Hựu là cù lao thuộc địa phận huyện Cần Đước, tỉnh Long An ngăn cách với huyện Cần Đước qua con Kinh Nước Mặn, được thực dân Pháp cho đào vào thời Pháp thuộc. Cù lao bao gồm hai xã Long Hựu Đông và xã Long Hựu Tây đồng thời là nơi tọa lạc của Đồn Rạch Cát và di tích lịch sử Nhà trăm cột.
< Dốc cầu phía cù lao có hình cong, phía dưới nhốn nháo người. Hóa ra ngay giờ ta trường, mà lúc này chỉ mới 8h40 thôi - chắc buổi học ngắn đầu năm.
< Hết dốc cầu là gặp ngay ngã 3 (vị trí tại đây) với vài xe đò, còn lộ thì trở thành đường rải đá. Riêng nhánh rẽ trái vào chợ lại được tráng bê tông. Bọn mình quẹo vô chợ.
Trên áo các em học sinh ghi rõ: Trường trung học cơ sở & Trường THPT Long Hựu Đông.
< Cuối đường là chợ, buôn bán tấp nập. Chạy vô rồi lúng túng tìm cách trở ra do đông người.
Ý định của bọn mình là tìm nhánh rẽ qua nhà thờ Long Hựu để chạy theo con đường bọc vòng quanh cù lao, tuy nhiên nhánh rẽ ngay chợ rất nhỏ, chỉ tầm con hẻm bé trong khi người mua bán thì lại đặc ken nên mình quay đầu xe, trở ra.
< Trở ra ngã 3, bây giờ thì rẽ trái. Đây cũng chính là con đường từ cầu Kênh Nước Mặn đổ dốc xuống. Láng nhựa chỉ có đoạn ngắn ở chân cầu, còn lại là đường đất + đá...
< Đoạn khác thì nền đất cát, có vẻ mới được đổ và san nên bằng phẳng dù bụi tung nhiều.
< Cũng rất nhiều đoạn đầy ổ gà, đá lởm chởm khá bén. Người địa phương quen rồi nên chạy ầm ầm, còn mình ngại... tét vỏ nên vừa chạy vừa né.
Cái ngại nhất là những đoạn có sóng ngang: đường đất đá tung bụi, người dân dùng vòi tưới nước khiến đất trôi ngang một phần, phần còn lại bị xe cán mãi, bị nén chặt tạo ra những sóng ngang. Chạy xe qua những đoạn này, thứ gì không gắn chặt vào xe đều 'xuất khẩu tạo âm' ráo - lưng tưng ê cả sống lưng, lưng tưng cứ ngỡ chạy tưng đường tàu (tà vẹt).
< Nhưng tưng gì thì tưng, ta vẫn cứ chạy...
Ít ra cũng vẫn còn tâm hồn ngắm các khoảng ruộng bao la với các gốc rạ úa vàng cùng những ngôi mộ giữa đồng. Vùng quê sướng nhỉ, khi 'về trời', cứ đem ra đồng táng rồi xây mộ - đất ta mà, nhà nào hổng có đâu? Thi thoảng lại ra đốt nén nhang, ngồi tâm sự, cõi âm dương nhu gần lại: thêm vui, đỡ buồn cho cả hai.
< Con đường vẫn thẳng bon như vạch kẻ chỉ. Bác nào ở Tây Bắc hay Tây nguyên đi đường ni chắc rung lên vì sướng! Không có cái cám cảnh lên dốc xuống đèo, không có đường ngoằn ngoèo ngoặn ngoẹo như con rắn bò hay dáng đi của kẻ say men. Ở đây, ta cứ thẳng tiến nhé!
< Rồi bọn mình đến ngã 3 này: tấm bảng ghi 'Di tích Nhà trăm cột -> 200m'. Một tấm bảng kẻ đơn giản chỉ dẫn đường vào một Di tích lịch sử - văn hóa Quốc Gia.
Nhà trăm cột do ông Trần Văn Hoa lúc ấy là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ ,tỉnh Chợ Lớn xây dựng vào những năm 1901-1903 do một nhóm thợ miền Trung. Mặc dù được gọi là “Nhà trăm cột” nhưng thực chất, ngôi nhà này có tới 120 cột gồm 66 cột tròn và còn lại là cột vuông.
< Không vào nên mượn tạm 1 ảnh của bác Hữu Thành vậy.
Với diện tích 882m², Nhà Trăm Cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m², chính diện quay về hưóng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn từ phía trên, Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc với 3 gian - 2 chái.
Xem thêm thông tin nhà 100 cột ở đây >
Riêng bọn mình, mục đích đến là Di Tích Quốc Gia Đồn Rạch Cát. Vậy nên đi tiếp...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6
Travel79.net
No comments:
Post a Comment