Friday, April 11, 2014

Trên đường Trường Sơn - Điện Biên (Kỳ 4)

(TTO) - Ven dòng sông Mã

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi, sáu thành viên đi biên giới thì đã có đến năm đồng trang lứa, cùng mê mẩn bài thơ Tây Tiến hùng tráng được học hồi lớp 12.
Ngày thứ bảy của hành trình vào địa phận vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa cũng là ngày các thành viên dâng tràn cảm xúc khi được bước đi trên những vần thơ.

Sông Mã rộn ràng

Ký ức đã thức dậy. Nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn bộc bạch: “Hồi ôn thi tốt nghiệp lớp 12, từng câu, từng chữ của bài thơ mình thuộc đến thấm vào máu. Hôm nay cảm xúc của năm xưa lại ập về sao mà còn y nguyên đến lạ. Mình đã đợi chờ ngày này đến hơn 20 năm rồi”.

Tay máy ảnh Nguyễn Phước Hòa cười tham gia: “Theo mình, đó là bài thơ hết sức đặc biệt mà bất cứ ai có tâm hồn ưa phiêu lưu sẽ bị cuốn phăng đi ngay lần đầu tiên được đọc. Nhớ hoài đã có những ngày bài thơ Tây Tiến là đề tài lớp mình bàn tán suốt ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới.

Nghiệm lại đoàn mình đã đi qua biết bao đèo núi, làng mạc và nhiều vất vả trong nắng mưa, giá lạnh trên đường biên giới, giờ đây thấy thật hạnh phúc ở những điểm đến đặc biệt của hành trình”. Phóng vút xe bắt đầu ngược dòng sông Mã, trực chỉ điểm đến Mường Lát hoa về trong đêm hơi, nhà báo Trần Hoàng phấn khích: “Nguyên hôm nay mình không ca hát dọc đường một mình nữa, đổi sang chỉ đọc thơ Tây Tiến thôi”.

Ven dòng sông Mã, những nếp nhà sàn các bản làng người dân tộc Thái, Mường nối nhau trong nắng sáng thật yên bình. Tại bản Cun, xã Xuân Phú, huyện Quang Hóa, chúng tôi dừng lại với khoảng 20 bạn trẻ đang cùng chung tay giúp dựng thêm căn nhà mới cho đôi vợ chồng mới cưới.

Nhà đang lợp mái bằng những tấm lá cọ còn tươi xanh kết lại. Các cô gái ở dưới dùng sào chuyển lên, cánh nam nhi trên mái đón lấy buộc vào rường gỗ. Tiếng cười nói ríu rít, vang vọng. “Họ hàng, bạn bè cứ làm giúp nhau đến xong thì thôi. Không ai tính tiền công với nhau cả. Mình giúp họ rồi mai mốt họ lại giúp mình”, những người thợ làm nhà cười tươi.

Cánh rừng bên kia sông là nơi nuôi sống biết bao hộ gia đình sống dọc sông Mã với nghề trồng và khai thác cây luồng. Luồng thuộc họ tre đã xem vùng đất Thanh Hóa làm “quê hương” và cũng là cây “xóa đói giảm nghèo” cho bà con. Luồng trồng 3-4 năm là khai thác được. Các chàng trai khỏe mạnh băng sông vào rừng, chặt luồng rồi kết bè thả trôi theo dòng sông Mã, tạo nên hình ảnh thật sinh động trên suốt tuyến đường. Luồng theo dòng nước tấp vào bờ và được biến thành đũa tại các xưởng làm đũa hoạt động hết sức nhộp nhịp.

< Thắp nhang tưởng niệm ở khu di tích lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Đường vào Mường Lát hết vượt dốc rồi xuống dốc liên tục khiến người đi cứ miên mang theo bước chân đoàn quân Tây Tiến hành quân: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống... Vượt gần 190km theo sông Mã, sẩm tối chúng tôi đến được điểm cuối cùng của biên giới: cửa khẩu Tén Tằn (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát), cột mốc chủ quyền có số thứ tự 281. Sông Mã gầm lên khúc độc hành, có lẽ phải đến tận bìa biên giới, nơi không gian yên ắng cuối ngày, đoàn mới cảm nhận được oai linh của sông Mã trong thơ của Quang Dũng. Nơi đây gọi là ngã ba sông Mã gồm dòng sông đổ từ Lào qua, cộng thêm dòng suối Siêm đổ vào đầu nguồn sông Mã phía VN tạo nên âm vang dội thật mạnh mẽ như tiếng ngựa hí vang.

Doanh trại bừng lên nét chữ

19g, hội trường đồn biên phòng Tén Tằn đèn đuốc sáng trưng. Chúng tôi được thăm lớp học xóa mù chữ và chống tái mù chữ dành cho chị em người dân tộc Thái ở bản Chiềng Cồng. Hôm ấy nhằm tốt ngày, rất nhiều bản làng người dân tộc Thái tổ chức cưới hỏi tưng bừng. Từ chiều thầy giáo và lãnh đạo đồn lo dữ lắm, là vì phụ nữ Thái thường uống rất nhiều rượu trong các dịp lễ hội, đám tiệc mà bỏ lớp mất. Nhưng đến giờ vào lớp, 25 học trò hiện diện đầy đủ. Các học trò cười: “Ai cũng ham học nên chị em dặn nhau chỉ uống chút cho vui, để đầu óc minh mẫn còn đến lớp trả bài và tiếp thu bài”.

“Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân, câu này có nghĩa là dù ai nói thế nào lòng mình vẫn vững, bụng mình không đi đâu hết có đúng không thầy?” - học trò Hà Thị Ben, 45 tuổi, đứng dậy phát biểu. Thầy giáo chậm rãi cắt nghĩa về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng câu ca dao cho học sinh hiểu thêm. “Thế hệ của chúng tôi đa số mẹ không được đi học, không biết cái chữ nên không giúp được các con trong học hành. Buồn lắm!” - chị Lương Thị Thúy chia sẻ.

Những bàn tay chai sần với con dao, cái cuốc ngày ngày vào rừng kiếm ăn, lam lũ lo cho gia đình giờ đang cầm bút nắn nót con chữ, phép tính. Lớp trưởng Hà Thị Păn cho hay công việc mỗi ngày: “Ăn cơm xong mình lại đi một vòng bản rủ các em các chị đến lớp. Cố gắng nhé”. Lớp học chút chút lại rộn lên tiếng cười hết sức vui vẻ. Các học trò tiết lộ điều lý thú nhất đến lớp học là mọi người đã biết ký tên không cần lăn tay, biết nhắn tin điện thoại cho chồng con, đặc biệt là được cười thoải mái vì ngày nào cũng gặp các chị, các em.

“Các cô nhớ hoàn thành bài tập ghép từ. Ráng tìm được nhiều từ nhé. Mai cháu sẽ mời lên bảng tự viết” - thầy giáo dặn dò học trò trước khi tan lớp. Còn học trò chia sẻ: “Về nhà làm bài tập luôn rồi mới ngủ. Mai tranh thủ buổi trưa học bài thêm lần nữa vì sợ quên mất”. 22g, học trò tan lớp, soi đèn pin, cười vang kéo nhau trở về bản.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, vào hàng ngũ bộ đội biên phòng, Hà Văn Chế được nhận ngay nhiệm vụ làm thầy giáo quân hàm xanh. Nhanh tay lau bảng, thu dọn giáo án, thầy giáo Chế cho biết: “Mình rất vui với nhiệm vụ. Không nghĩ lại có thể được vận dụng chuyên môn đã học khi tham gia quân ngũ. Càng không thể nghĩ những học trò đầu tiên của mình lại là những người nhiều tuổi. Mừng nhất là các cô mau tiến bộ lắm, mới hơn một tháng làm quen với mặt chữ ráp vần, rồi biết đọc biết viết. Tinh thần học hăng say”.

Theo thượng úy Lê Hữu Hùng, đội trưởng đội vận động quần chúng chương trình giúp bà con xóa mù chữ mà đồn đã làm được cách đây vài năm, nhưng sau đó do không thường xuyên khiến bà con bị tái mù chữ.

Năm 2013, đồn phối hợp với Hội Phụ nữ xã Tén Tằn mở lại được bốn lớp học tại đồn và các bản Đoàn Kết, Chiêng Pục, Piềng Mòn, có 78 học sinh người Thái và Khơ Mú. Có lớp đã hoàn thành hết giáo trình quy định dành cho xóa mù chữ, nhưng học trò vẫn thích học thêm nữa. Số đếm kết thúc ở 100.000 đã được dạy thêm lên hàng triệu. Dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm một lớp nữa ở bản Buốn hoặc Na Khà.

Đêm biên giới tĩnh mịch, nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn vẫn cặm cụi viết dòng nhật ký: “Hôm nay quá nhiều cảm xúc cho hành trình biên giới. Một chuyến đi rất đặc biệt, khó mà có lại trong đời”.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5

Theo Tố Oanh (báo Tuổi Trẻ)
Travel79.net

No comments:

Post a Comment