Saturday, April 26, 2014

Vẻ đẹp núi Vệ Linh

Quần thể di tích Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) với những di tích thờ phụng, tôn vinh người anh hùng Thánh Gióng trải từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (trước kia thuộc Vĩnh Phúc, từ năm 1976 chuyển về trực thuộc Hà Nội).

Nguyên thủy, đền Sóc xây dựng từ năm 980, thời Tiền Lê (980 - 1009), đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu, lần gần nhất diễn ra năm 1992 nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc, quy mô, vị trí của các công trình. Trong thế kỷ XX, mặc dù phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nhưng hầu như các di tích trong khu vực không bị ảnh hưởng. Hiện nay, do sự phân cấp quản lý, tu tạo khá cụ thể và hiệu quả, khu di tích thực sự là một điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách gần xa khi đến thăm lại nơi đã ra đời những huyền thoại tuyệt đẹp về con người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Trước khi lên thăm các ngọn núi, du khách vào thăm các di tích ở khu vực dưới chân núi Sóc. Đó là đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi và đền Thượng, bốn điểm di tích được bố trí rất gần nhau. Tâm điểm của quần thể di tích là đền Thượng, nơi thờ đức Thánh Gióng, người đã có công đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi nước nhà. Đó là ngôi đền có quy mô đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chuôi vồ, bên ngoài gồm 5 gian hai chái, phía trong là hậu cung. Cách bài trí trong đền, cách sắp xếp đồ thờ, khí tự... tạo ra sự linh thiêng của nơi thờ cúng thần linh, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Theo con đường quanh co dẫn lên núi Sóc, du khách sẽ tới thăm nơi người anh hùng Thánh Gióng để lại dấu tích trước khi bay về trời.

Núi Sóc Sơn nằm trong hệ thống mạch núi Tam Đảo, gồm nhiều ngọn núi nằm trên hai huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Sóc Sơn (Hà Nội), tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Núi Sóc còn có tên gọi là núi Mã, núi Dền hay núi Vệ Linh, cách trung tâm huyện lỵ 4km về phía Tây. Đứng ở một vị trí thuận lợi trên đỉnh núi, du khách có thể bao quát cả một vùng non nước mỹ lệ.

Không xa núi Sóc là ngọn Hàm Lợn (trên núi Hàm Lợn, còn gọi là núi Chân Chim), ngọn cao nhất trong hệ thống núi ở Sóc Sơn với 462m so với mực nước biển. Đó chính là đỉnh của núi Độc Tôn theo sử cũ và từng được ghi lại trong ca dao cổ với niềm tự hào về truyền thống đánh giặc của dân tộc (Nhất cao là núi Ba Vì/Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn – tất nhiên là cách đo theo cảm hứng tự hào về bề dày truyền thống yêu nước và đánh giặc của dân tộc chứ không phải là cách đo thuần túy theo khoa học). Đó còn là nơi mà quận Hẻo Nguyễn Danh Phương đã lập doanh trại để nổi dậy chống lại chế độ phong kiến Lê - Trịnh hà khắc những năm 40 của thế kỷ XVIII.

Phía Đông núi Hàm Lợn có núi Don cao 327m. Về phía Bắc có núi Thanh Lanh cao 427m, núi Bà Tượng cao 334m, núi Lục Dinh cao 294m. Ngoài ra, còn có các ngọn núi Bàn Cờ, Cao Tung, Mũi Cày, Trảm Tướng...
Lịch sử ngẫu nhiên (mà cũng tất nhiên chăng?) khi chọn núi Sóc Sơn cao 308m để ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng qua hình tượng người anh hùng làng Gióng “phá tặc thượng hiềm tam tuế vãn/đằng không do hận cửu thiên đê” (đánh giặc lúc ba tuổi vẫn cho là muộn/lên chín tầng trời vẫn hận chưa cao - thơ Chu Thần Cao Bá Quát, 1805- 1855).

Đứng trên đỉnh núi Vệ Linh, tương truyền là nơi Thánh Gióng bay về trời, du khách sẽ cảm nhận hết vẻ đẹp về hình thế địa lý, vẻ đẹp thiên nhiên của ngọn núi có rất nhiều thông và còn khá nhiều cổ thụ trong khu vực thắng cảnh. Cũng trong giây phút đặt chân lên chỗ người anh hùng huyền thoại sau khi hoàn thành sứ mạng của mình đã bay lên trời trong ánh hào quang sáng rực, du khách có thể hình dung lại cả một quá khứ hào hùng để thêm tự hào về đất nước mình, dân tộc mình.

Tại khu vực di tích đền Sóc, vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại tưng bừng bước vào lễ hội 3 ngày để tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng (còn tại quê hương của người anh hùng, làng Phù Đổng, Gia Lâm, thì lễ hội diễn ra vào ngày 09/4). Trò chơi đặc sắc nhất của lễ hội đền Sóc là trò cướp giò hoa. Giò hoa gồm 500 bông được làm băng tre non, mô phỏng lại tích Thánh Gióng khi roi sắt gẫy đã nhổ tre hai bên đường làm vũ khí tiếp tục đánh giặc.

Tương truyền, trong lễ hội đầu tiên thuở xa xưa, khi dân làng dâng giò hoa tre, loại hoa có sắc mà không có hương này lên lễ Thánh thì được Thánh chấp nhận vì nó tinh khiết, không có loài ong bướm nào có thể làm ô uế được. Trò cướp giò hoa diễn ra trong ngày đầu tiên của lễ hội, chỉ sau chừng nửa giờ khi đã kết thúc phần tế Thánh. Đó là phần hứng khởi nhất của những người tham dự lễ hội đền Sóc, không chỉ là trò mua vui, giải trí mà thực sự đã đi vào tiềm thức, tâm linh văn hóa những người dự hội, để lại dấu ấn tinh thần sâu sắc.

Theo Hà Nội Mới
Travel79.net

No comments:

Post a Comment