(TTO) - Tiến vào đại dương bao la
Tôi lái mảng về phía đông để cắt ngang quần đảo Ryukyu nhằm hướng về các đảo chính của Nhật Bản. Chúng tôi bây giờ ở khúc cuối cùng của chặng đường đi trong vùng biển châu Á.
Chỉ còn 200 dặm phía trước là cổng vào vịnh Tokyo, ở đây chúng tôi sẽ kiểm tra lại dây nhợ, cải tiến vài chi tiết cuối cùng cho chiếc mảng và chất thật nhiều lương thực, nước uống mà bè tre có thể chở được trước khi chúng tôi thử cố gắng vượt qua 4.500 dặm để đến được châu Mỹ.
Ngày 5-8, mảng lặng lẽ rời khỏi Shimoda. Cả năm người - Joe, Lợi, Rex, Trondur (thay cho Nina và Mark) và tôi - biết rằng chúng tôi sẽ sống cùng nhau trong không gian chật hẹp này suốt 90 ngày hoặc hơn nữa. Trừ Trondur ra, chúng tôi đã sống trên mảng này được gần ba tháng.
Vào vùng biển sâu
Mảng giờ đây đã ngập quá sâu trong nước. 1,3 tấn nước ngọt cùng với 1/3 tấn lương thực được chất lên, cái khối lượng quá mức này đã dìm mảng xuống biển đến độ toàn bộ thân mảng đều ngập trong nước, chỉ trừ cái mũi cong lên ở phía đầu, vài phân ở phía đuôi và vài cây tre trên cùng xung quanh mép mảng. Giờ đây trên mảng không còn một chỗ nào khô ráo, nước trồi lên qua sàn buồng lái, sàn cabin luôn ướt, và ở phần trống nằm giữa mảng, ngay dưới chân cột buồm chính, những con sóng tự do xuyên qua từ bên này sang bên kia không chút trở ngại rồi đua nhau chạy nhanh vào bóng đêm.
Joe và tôi bắt đầu để ý thấy những tiếng sột soạt lớn phát ra từ phía dưới sàn tre của cabin chính. Tôi thử nhìn qua một khe hở giữa những thanh tre. Bên dưới là một khoảng trống, sâu khoảng mười phân, mới đến lớp đan lát của thúng buồng lái. Chúng tôi đã xếp nước uống dự trữ vào không gian đó. Ngạc nhiên thay, tôi thấy có khá nhiều nước luồn quanh những cái can đựng nước bên trong cabin. Trông có vẻ không ổn. Chúng tôi nhấc lên một vài can nước để xem và tôi thấy mình đang nhìn thẳng xuống màu xanh sâu thẳm của Thái Bình Dương qua một cái lỗ gần mười phân ở đáy thúng cabin. Tiếng ồng ộc và tiếng sóng vỗ mà chúng tôi vẫn nghe không phải là tiếng đại dương đang cạ vào bên dưới thúng cabin, mà là âm thanh của nước chạy ra chạy vào ngay dưới chỗ ngủ của mình.
Thời tiết vẫn ẩm ướt và khó chịu. Gió bắc thổi mạnh, đẩy nước biển xám đến đánh xuyên qua mảng, thỉnh thoảng bắn nước lên buồng lái và làm ướt hết cả đoàn. Joe nhìn thấy một con sóng lớn bạc đầu từ xa sắp tấn công vào mảng và hét lên cảnh báo: “Sóng tới kìa!”. Joe và Rex thụp người xuống nấp và chắc mẩm con sóng vỡ ra trên buồng lái sẽ làm ướt hết thảy những người ngồi trong đó. Joe và Rex nhìn lên rất ngạc nhiên. Trondur đã phớt lờ lời cảnh báo và cứ ngồi ì ra. Con sóng đã tắm cho anh một quả và anh vẫn bình thản ngồi. Bộ đồ chống thấm của anh ánh lên và từ chòm râu quai nón khổng lồ những dòng nước chảy xuống. Anh ta chẳng hề di chuyển đến một phân, cứ như muốn nói rằng: có gì mà phải ồn ào vậy?
Thảm thức ăn dồi dào
Trong bốn ngày tiếp theo, thời tiết như mỉm cười với chúng tôi. Bầu trời xanh ngắt, không khí tươi mát. Những mũi sóng bạc trắng và thân sóng lấp lánh tiến về phía đường chân trời trống trải và Thái Bình Dương chuyển động nhanh, đầy sức sống, khiến chúng tôi như khỏe ra. Chúng tôi đang giương buồm theo hướng đông bắc, gần như song song với bờ biển Nhật và nằm cách xa những tuyến hàng hải ven biển nên chỉ nhìn thấy một con tàu chuyên chở nho nhỏ phía chân trời. Rex đã khâu xong những cái van tất. Joe trải ra trên nóc cabin những thứ đồ ăn ẩm ướt cứu vớt được và phơi khô để vớt vát được chút nào hay chút ấy.
Mảng khoan thai lướt đi với tốc độ 1-2 hải lý, mặc dù biển đánh xuyên qua những cây tre và mực nước biển lúc nào cũng cạ vào cái lều tre của chúng tôi, lúc nào chúng tôi cũng gần gũi với biển khiến có cảm giác đang đi với tốc độ nhanh hơn.
Có lẽ đó chỉ là đòn tâm lý, song biết rằng chúng tôi thật sự tiến vào đại dương khiến biển quanh chúng tôi trở nên bao la hơn và mạnh mẽ hơn. Ánh dương rạng rỡ mang đến một bầy hộ tống đầy những con cá nục heo săn mồi, trông chúng to hơn và dữ dằn hơn bất kể con nào chúng tôi từng gặp trước đó.
Tôi vừa chỉ cho Trondur thấy một con cá lớn thì có một đám nước động mạnh khi con cá phóng mình lên để vồ lấy một chú cá chuồn. Lẳng lặng không nói một lời, Trondur tiến về phía trước và lấy một mái chèo để bào đi, làm thành một thanh lao xỉa cá. Với 4.500 dặm Thái Bình Dương ở phía trước, chúng tôi chắc sẽ không cần đến mái chèo, và ý tưởng về những miếng thịt cốtlết cá nục heo làm cho ai cũng thèm nhỏ dãi.
Đột nhiên, ngay phía bên dưới đàn chim đang lượn vòng, một đám nước rộng khoảng 30m sủi bọt trắng như bị mưa đá đập vào. “Mực” - Trondur nói ngắn gọn. Phải có đến hàng ngàn con cá nhỏ bị dồn lên mặt nước bởi đàn mực kiếm ăn bên dưới. Đàn cá nhỏ đó đã làm cho mặt nước như sôi lên.
Ngay bên trên chúng, đàn hải âu la hét, hoan hỉ kêu gào rồi nhào xuống tọng thức ăn đầy mỏ trong khi những con mực tiếp tục quấy nhiễu con mồi, siết chúng giữa các xúc tu bám chặt. Cảnh tượng này cứ lặp đi lặp lại, đám nước sôi sục bọt trắng biến mất, rồi lại hiện ra ở chỗ khác với những con cá nhỏ quẫy đến tung bọt như thể một cái vòi cứu hỏa đang chĩa thẳng vào mặt biển. Mỗi lần như vậy, những con hải âu háu đói lại ăn mừng.
Chúng tôi chỉ đơn thuần cố gắng hết sức lái về hướng đông, dựa vào hướng gió, sóng và dòng chảy đưa đi.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7
TIM SEVERIN
Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch - Báo Tuổi Trẻ
Lời kể của ông Lương Viết Lợi
“Lên bè là mọi người thân thiết như anh em. Ông Tim Severin tặng tôi một cuốn Từ điển Việt - Anh và một cuốn song ngữ Việt - Anh với những câu giao tiếp thông thường. Ông ấy còn giao cho một người Anh trên bè dạy tôi tiếng Anh, còn tôi dạy họ nói tiếng Việt. Sau một tháng, tôi có thể nói tiếng bồi, giao tiếp thông thường với họ suốt cuộc hành trình.
Hằng ngày trên biển, anh em thay nhau câu, bắt cá các loại, rồi nấu ăn bằng cái bếp dầu. Ngoài số nước ngọt được đóng vào nhiều can nhựa 40 lít, dọc hành trình anh em trong đoàn còn lấy nước biển bỏ vào máy quay tay chế ra nước ngọt để dùng. Buổi tối, mọi người chui vào túi ngủ khá thoải mái và an toàn. Trên bè luồng được trang bị các thiết bị cứu sinh, liên lạc khá hiện đại lúc bấy giờ, có hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy phát điện dự phòng...”.
HÀ ĐỒNG ghi
Travel79.net
No comments:
Post a Comment