(Zing) - Độc giả Chipchina ủng hộ việc xây lan can tại hẻm vực Tu Sản, vì đây là cách đảm bảo an toàn và giúp Hà Giang thu hút thêm nhiều du khách, thay vì chỉ có dân phượt ghé thăm.
< Lan can vừa xây tại hẻm vực Tu Sản.
Tôi biết khi viết những dòng này sẽ không có nhiều người dám ấn nút like hay chia sẻ, và cũng biết trong số họ - những người đi phượt sẽ lặng lẽ remove tôi vĩnh viễn ra khỏi đám bạn bè. Nhưng là tôi mà, đôi khi chấp nhận đối diện với tất cả như thể nhìn thấy cuộc sống đang thay đổi mỗi ngày là điều mà mình không bao giờ chối bỏ.
Tôi sẽ không nói nhiều về ngọn đá trên hẻm Tu Sản, nằm chơ vơ trên khúc quanh trên đỉnh Mã Phí Lèng vì có quá nhiều người đã nói về nó suốt thời gian qua.
Một ngày thức dậy, mở facebook tôi giật mình không phải vì bức ảnh "bê tông hóa ngọn đá" ấy, mà vì tất cả những bức ảnh hiển thị trên thông tin cập nhật là ảnh của các bạn chụp trong một chuyến đi cũ ngập tràn. Mọi người ai cũng nói về nó, và không quên đăng một bức hình của chính mình chụp tại đó, như để khẳng định với tất cả mọi người: “Chúng tôi đã ở đó, khi ngọn đá hẻm Tu Sản chưa bị bê tông hóa”.
Tôi đã đi Hà Giang 6 lần, nhưng trong 6 lần ấy chưa một lần tôi có ảnh chụp trên ngọn đá Tu Sản, đó cũng là một điều kém cỏi mà bản thân không bao giờ làm được. Nhìn lại bức hình mới, tự dưng trong lòng tôi lại dấy lên một niềm vui: niềm vui của một người hèn nhát, sợ độ cao sắp được bước chân xuống nơi mà các bạn hay chụp ảnh. Và tôi biết, nếu bà, bố, mẹ tôi... những người mong ước được đi Hà Giang một lần cũng sẽ vui vì hiểu rằng, nếu họ có điều kiện đến Hà Giang, vượt Mã Pí Lèng, họ sẽ có thêm một điểm để ngắm nhìn hẻm vực, và đến gần với sông Nho Quế xanh ươm...
Khi tôi đọc tất cả bình luận trong những bức ảnh các bạn đăng chụp trên ngọn đá ấy, tôi thấy hầu hết mọi người chỉ bàn xoay quanh việc: “Ôi em không kịp chụp bức ảnh nào khi nó còn nguyên xi rồi, em định làm bộ ảnh cưới ở đó, anh/chị thật là sướng vì đi khi nó chưa bị bê tông...”. Tôi biết khi đăng ảnh, các bạn tiếc một mỏm đá thì ít, mà tiếc một nơi để chụp ảnh “check in” khoe bạn bè thì nhiều.
Phần lớn con người chúng ta không thoát khỏi tâm lý thích thể hiện bản thân, tôi cũng thế, không bao giờ tránh được, dẫu rằng cũng là một người làm nghề liên quan đến nghiên cứu tâm lý đám đông. Khi đăng ảnh bê tông hóa kèm một bức ảnh cá nhân mình ở đó, không nhiều người để ý rằng ngọn đá ấy đâu hề bị mất đi, san gạt đến độ không thể chấp nhận được. Những bức ảnh như các bạn đăng trên tường, làm avatar thực ra nếu muốn vẫn chụp được như cũ. Hà Giang là một tỉnh làm du lịch khá tốt so với các tỉnh miền núi phía Bắc, việc bê tông hóa này, cá nhân tôi đánh giá cao, như việc họ xây dựng trạm nghỉ chân trên Mã Pí Lèng.
Tôi cũng hỏi một người bạn làm ở sở văn hóa Hà Giang, anh ấy nói: "Sẽ không thu phí đâu, điểm dừng chân Mã Pí Lèng, chợ Đồng Văn còn chẳng thu huống hồ... Việc xây lan can chỉ để hạn chế rủi ro cho khách du lịch thôi". Tôi đã thở phào khi nghe câu ấy, vả chăng nếu có thu, tôi nghĩ đừng nên tiếc, ở Thái Lan có nhiều đảo du lịch, khi đến đảo, nhân viên môi trường ra thu phí bảo vệ tài nguyên nhưng khách nào cũng vui. Vậy sao ở Việt Nam, vì thu vài nghìn đồng mà mọi người ấm ức. Nếu cứ mãi thế ngành du lịch sao phát triển? Ai là người dọn rác chúng ta thải ra khi dừng chân, ai là người giữ cho con đèo sạch sẽ cho các bạn ngắm?
Tôi đã leo khá nhiều đỉnh núi ở Trung Quốc và cực kỳ hài lòng vì mọi điểm ngắm (view point) của họ đều được bê tông và xây lan can cực an toàn. Ví dụ như các bậc thang gỗ ở Hoa Sơn là một con đường nguy hiểm nhất hành tinh thì ngay trước nó là một cái ban công bê tông để mọi người đứng ngắm.
Các bạn đi phượt nhiều quá mà quên mất, ngành du lịch cũng cần chỗ sống. Mà nhóm đi phượt chỉ chiếm một phần nhỏ dân số có nhu cầu du lịch. Chúng ta cứ tưởng mình đi nhiều là đóng góp cho ngành, nhưng đâu phải, chúng ta chỉ làm giàu cho cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ... Còn những người già, em nhỏ, viên chức, đặc biệt là khách nước ngoài họ cũng có nhu cầu tham quan Hà Giang, những điểm dừng chân miễn phí không xây để dành riêng cho dân đi phượt.
Tôi tốt nghiệp khoa văn hóa du lịch, bản thân đôi khi cũng cảm thấy xấu hổ vì mình chẳng cống hiến gì được cho ngành, vì từ khi còn là sinh viên, tôi gần như chỉ biết đi lang thang. Ra trường tôi cũng không làm trong ngành dù lịch dù chỉ một ngày, nhưng tôi luôn hiểu rằng: những giá trị nào đang mất đi. Đó không phải là cái lan can nhìn xuống vực Tu Sản như các bạn nói, mà là văn hóa.
Du lịch vào là văn hóa mất. Ai là người cho trẻ em trên đèo Mã Pí Lèng để rồi một ngày tôi trở lại đứng khóc khi bị giật đồ? Ai là người biến những đứa trẻ trong sáng chân chất của núi thành một nhúm ăn xin chính hiệu?
Chính là tôi và các bạn khi đến đây nghỉ chân, không giữ cho chúng cái văn hóa cốt cách của trẻ em vùng cao. Là khi chúng ta nghĩ sai về đói khổ, mà biến chúng thành nghèo lại còn hèn. Sao không ai lên tiếng bảo vệ thứ VĂN HÓA đã và đang mất, thứ tài sản lớn nhất mà chúng ta đã cướp đi.
Xây một cái lan can để an toàn cho các bạn trẻ thích chụp ảnh, ngắm cảnh đâu có gì là xấu. Và hơn hết tôi nghĩ, chúng ta khóc cho thứ mất đi sẽ hay hơn nhiều là khóc cho điều mà chúng ta đang nhận được. Đừng nói với tôi chưa từng có ai sảy chân khi cố gắng trèo ra ngọn đá ấy cho bằng bạn bằng bè. Và nếu bạn không hài lòng vì những gì tôi viết, cứ chối bỏ…
Theo Chipchina (Zing News)
Travel79.net
No comments:
Post a Comment