(Vietnamnet) - Ở mỗi một vùng quê Việt Nam đều có những món ăn riêng biệt để gợi nhớ về cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Và Nam Định cũng là một địa danh có nhiều đặc sản thơm ngon khiến du khách thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Bánh gai
Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này.
Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.
Con cái Nam Định về quê thăm quê rồi ra đi với những xấp bánh gai nằm lặng lẽ trong valy như gói ghém tâm tình của kẻ ở người đi, với man mác buồn vui của quê nhà yêu dấu cùng tấm lòng tha thiết về Thành Nam.
Bánh nhãn
Có tên gọi là bánh nhãn nhưng không phải vì thế mà bánh nhãn được làm từ quả nhãn mà vì bánh nhãn Nam Định nổi tiếng là vàng óng, tròn ngon như long nhãn. Bánh nhãn thơm ngon, ngọt, giòn hấp dẫn ngay từ cái nhìn bề ngoài của nó.
Được làm từ các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp Hải Hậu, trứng gà, mỡ lợn, tất cả được làm thật tỉ mỉ và công phu mới có thể tạo thành món bánh giòn, mát, ngọt đầy hấp dẫn như thế này.
Phở bò
Có thể nói phở Nam Định được coi là một loại phở đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải là vì nó khác biệt ở cách làm hay hương vị mà ngay cả khi du khách có thể tận mắt chứng kiến chủ quán nấu phở thì họ cũng không biết được tại sao lại cho ra được một bát phở ngon lành như thế.
Một bát phở ngon không thể thiếu nước dùng trong ngọt cùng với bánh phở trắng mềm, miếng thịt đều nhau, ăn vào không dai mà còn ngon đến miếng cuối cùng. Thêm một chút chanh tươi, ớt và rau thơm thì càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của bát phở. Vậy nên để có được một bát phở nguyên gốc thì mỗi một nguyên liệu nhỏ cũng làm nên hương vị đặc biệt của nó.
Kẹo sìu châu
Khi được thưởng thức chiếc kẹo sìu châu thì người ta có thể cảm nhận được hương thơm vương giả như hoa lan, ăn vào sẽ nhận ra ngay hương vị thơm ngon, đặc sản của vùng quê Nam Định.
Kỹ thuật làm kẹo sìu châu được xem là một tuyệt đỉnh của kỹ thuật làm kẹo lạc. Để nấu được kẹo, người thợ cần phải có đôi tay tinh tế, phải giữ được nhiệt độ ổn định của bếp và khó nhất là sự cân đong đo đếm của những nguyên liệu làm nên chiếc kẹo sìu châu.
Nem nắm
Trải qua bao thăng trầm biến cố, nem nắm Giao Thủy được coi là món đặc sản của người dân thành Nam. Được làm từ bì, thịt lợn trộn thính và gia vị, rồi được nắm lại trong lá sung, nhưng khi ăn bạn sẽ hết sức bất ngờ từ mùi thơm đặc trưng và vị ngọt, béo ngậy, là món ăn rất được yêu thích tại Nam Định và cả trong bữa ăn thường ngày của người dân.
Để có nắm nem ngon, nguyên liệu bì lợn phải được tuyển chọn từ những con lợn khỏe, miếng bì phải làm sạch lông và dính chút mỡ, thường chọn miếng bì ở phần đầu vừa không dày, lại không nhiều mỡ, sẽ không ngán và nắm nem không bị ướt nhão. Bì lợn làm nem được thái thủ công.
Điều làm nên mùi thơm của nem nắm Giao Thủy chính là thính, phải làm từ gạo tám Nam Định mới dậy mùi. Thính sau đó được trộn đều với bì lợn và thịt lợn đã sơ chế ở trên. Từng hạt thính nhỏ li ti quyện chặt lấy từng sợi bì, đảo đều tay nghe xào xạo vui tai, rồi nắm chặt.
Để thưởng thức món nem nắm Giao Thủy, bạn chỉ cần cuốn nem nắm vào lá sung, thêm ít rau thơm rồi nhón qua bát nước mắm Sa Châu là xong. Vị béo béo ngầy ngậy nhưng không ngán cùng với vị đắng chát nhẹ của đinh lăng sẽ làm bạn nhớ mãi. Bởi thế, người xưa đã có câu: “Tay cầm bầu rượu nắm nem”.
Cá nướng úp chậu
Những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng rất đặc biệt. Đó là món cá nướng úp chậu với phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức.
Những chú cá tươi roi rói sẽ được “nhốt” vào một chiếc chậu nhôm chuyên dụng, xung quanh xếp gạch và lót một lớp rơm, lá chuối bên dưới. Khi đã kiểm tra chậu úp cá chắc chắn, đầu bếp bắt đầu trải rơm đốt xung quanh thành chậu, phía trên chậu liên tục trong 30 phút. Rồi phủ kín chậu bằng một lớp trấu dày, tiếp tục đốt rơm và trấu trong vòng 5 tiếng. Điều quan trọng là người nướng cá phải giữ lửa đều để sao cá chín nhờ nhiệt hấp thụ qua chậu chứ không được để lửa bén vào bên trong, cá sẽ bị chín cháy, hoặc bị chảy nước. Khi hoàn thành cá chín đều vàng óng và thơm ngon thì đó là sự khéo léo, kiên trì và một “bí kíp” gia truyền trong việc nướng cá.
Chè kho
Không cầu kỳ như chè cung đình Huế, không đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu như chè miền Nam mà món chè kho Nam Định chỉ được làm bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ. Qua bàn tay khéo léo của người nấu, người ta đã cho ra những đĩa chè ngon. Ăn miếng chè kho, nhấp một ngụm trà sen, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người Nam Định mến khách. Chỉ từng ấy dư vị thôi nhưng cũng đủ làm khắc khoải trong ký ức của biết bao người con xa quê. Dân dã mà ấm áp đến lạ thường.
Ngay trong những ngày bình thường ta cũng có thể bắt gặp những đĩa chè kho thơm thảo. Nhưng dư vị của đĩa chè ấy chỉ thực sự đọng lại trong không khí ấm áp của ngày lễ, ngày tết, khi cả gia đình ngồi quây quần bên nhau, nhâm nhi chén trà nóng, cùng sẻ chia dự định tương lai.
Theo Vũ Minh Thu (Vietnamnet)
Travel79.net
No comments:
Post a Comment