Monday, March 3, 2014

Đến nơi làm du lịch vì... nghiện người

(Vietnamplus) - Qua một chuyến phà từ Hải Phòng tới Cát Bà, tiếp tục đi đò máy lênh đênh vượt sóng nước biển khơi từ bến Cái Bèo hơn một tiếng đồng hồ tôi mới đặt chân lên được xã đảo Việt Hải (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng).

Xuyên rừng qua gần sáu cây số nhiều đoạn ngổn ngang đá hộc vì nổ mìn mở đường sẽ thấy ngôi làng nằm lọt thỏm trong thung lũng, bình yên và lặng lẽ giữa núi cao và rừng già của vùng lõi rừng quốc gia Cát Bà.
Những mái nhà gạch nằm lẫn với những túp lều gianh vách đất xiêu vẹo, lụp xụp. Nhiều nhà thậm chí còn không có cửa, nom trống huơ trống hoác. Vạt nắng khô hanh của mùa đông xuyên qua tán rừng rọi thẳng xuống trông mặt đất như nở hoa. Không gian vắng lặng, thưa thớt cả tiếng người...

Nơi người bán hàng là “thượng đế”

Có hai lối để vào Việt Hải, một đi đò từ bến Cái Bèo dành cho người ít thời gian, ít sức khỏe và hai là đi bộ qua hơn 30km từ cổng rừng quốc gia Cát Bà (cung đường cheo leo, hiểm trở xuyên rừng này hầu như mới có “Tây” trải nghiệm).

Con đường ngoằn nghoèo xuyên qua mấy quả núi đá, có những đoạn lách dưới tán lá xòe rộng như lạc vào hầm rừng xanh bí ẩn.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Việt Hải là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, con người mộc mạc, chân chất. Quanh làng chỉ thấy các ông bà già và người lớn tuổi, vì các em nhỏ từ cấp hai đã phải ra Đồ Sơn học trường nội trú theo chính sách trợ cấp 100% tới hết cấp ba của Chính phủ. Các em nếu không học tiếp đại học thì phần lớn cũng đi thoát ly tới những vùng đất mới để làm ăn buôn bán.

Cuộc sống của bà con nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài nên các hộ gia đình chủ yếu vẫn tự cung tự cấp nông sản là chính, còn nhu yếu phẩm khác khi cần sẽ đi đò ra tận thị trấn Cát Bà mua sắm.

Đang ở thành phố đông đúc, chật chội về đây, nơi thiên nhiên mở rộng bốn bề một màu xanh mướt mắt và hít hà bầu không khí trong lành của gió biển, cảm giác như được giải phóng cả cơ thể, tinh thần. Mọi thứ trở nên nhẹ bỗng, thanh thoát!

Ở Việt Hải chỉ có một con đường chính bằng bê tông nhỏ xuyên suốt từ đầu tới cuối làng và điểm kết thúc nối với lối mòn dẫn vào rừng, nơi còn nhiều loài chim, vượn... quý.

Mượn được chiếc xe đạp, làm một vòng khám phá các ngóc ngách trên đảo mới thấy hết cuộc sống quá đỗi đơn sơ của người dân nơi đây.


< Mỗi ngày có khá nhiều du khách nước ngoài đến xã đảo Việt Hải.

Thấy hai người phụ nữ vừa cắt được một xô lớn cải chíp bên đường, tôi ướm hỏi muốn mua nhưng hai chị xua tay: “Rau ở đây bọn chị trồng ăn thôi chứ không bán.” Quả thực, ghé nhà nào cũng thấy họ nuôi gà, trồng lúa, rau xanh... Nhà nào khá giả hơn thì nuôi thêm bầy ngan hay vài con dê làm kinh tế.

Cũng bởi trên đảo không họp chợ nên ở đây những người bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ bỗng trở thành “thượng đế.” Do hàng hóa khan hiếm nên người dân muốn mua còn phải “nịnh” người bán. Hai trăm nghìn đồng một cân gà cũng không dễ mua, vì không ai bán cả, họ chỉ nuôi và thịt để gia đình ăn.

Chủ tịch xã Việt Hải Nguyễn Văn Lợi cho biết, nếu muốn sống lại không khí thời “bao cấp” cứ tìm đến Việt Hải. Do không có chợ nên nhà nào thịt lợn sẽ thông báo với cả làng và người dân đăng ký mua theo tiêu chuẩn nhân khẩu, chậm chân rất dễ mất phần. Nhưng nếu nhà ai có đám hiếu, hỉ thì cả làng sẽ xúm vào lo như việc nhà mình.

Làm du lịch vì “nghiện” người...

Có lẽ, vì vẫn giữ được vẻ hoang sơ của thiên nhiên, mộc mạc và thiệt thà trong lối sống nên vài năm gần đây, làng Việt Hải trở thành điểm đến ưa thích của khách du lịch nước ngoài, thu hút trung bình từ 1.500-2.000 khách nghỉ qua đêm mỗi tháng.

< Người dân xã đảo.

Điều đáng nói là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây khởi nguồn từ sự tự phát của bà con xã đảo với hiểu biết về dịch vụ này gần như bằng không. Trong số sáu hộ dân tham gia làm du lịch, như nhà ông Nguyễn Văn Nghiệp, chị Nguyễn Thị Phương, ông Soi... được đánh giá là những địa chỉ uy tín với thái độ đón tiếp nhiệt tình, không chặt chém dù cơ sở vật chất chưa thật quy mô.

< Con đường mòn dẫn lối vào vùng lõi rừng Quốc gia trên xã đảo Việt Hải.

Trong số này chỉ có hộ nhà chị Phương liên kết được với một doanh nghiệp ở Hà Nội nên xây dựng được khu nghỉ dưỡng với tám phòng đầy đủ tiện nghi trên khu đất thuê của xã. Nhưng vì thời hạn thuê đất không được lâu nên gia đình chị không tránh khỏi tâm trạng thấp thỏm tới hạn trả đất.

Kể chuyện nghề, ông Nghiệp (78 tuổi) cho biết, là người Hà Nội nhưng vì hoàn cảnh mà phải rời quê từ những năm 1958 về tận đây dạy học và lập nghiệp. Ngày ấy, dân làng nghèo xơ xác với vài chục nóc nhà và gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện, không nước sạch, không giao thương.

Về hưu, không hẳn là người thức thời nhưng có lẽ cái duyên đã kéo ông Nghiệp bắt đầu với công việc mới. Từ chỗ tiếp đón bạn bè, người thân ở Hà Nội ghé thăm và cũng vì một lý do tế nhị khác, “nghiện” người nói chuyện nên ông chính thức bắt tay vào làm du lịch cộng đồng từ năm 2007.

Trung bình hàng tháng ông Nghiệp đón khoảng 200 khách nước ngoài bằng bốn phòng nghỉ của gia đình và thu 50.000 đồng/người cho dịch vụ ngủ tại nhà.

Người đàn ông có đôi mắt màu xám xanh đặc biệt ấy chia sẻ, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ việc phải làm quen công việc mới đến chỗ tìm hiểu nhu cầu khách, thiết kế khẩu phần ăn theo sở thích của từng đối tượng khách. Vì khách đến đây hầu như là người nước ngoài nên bản thân gia đình ông Nghiệp đã phải bỏ nhiều công sức học cách ngoại giao và giữ chân khách.

Theo ông Nghiệp, khách đến nhà ông và đến đảo chủ yếu là khách Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật bản và châu Âu...

"Khách Tây Ban Nha là khó tính nhất nhưng tôi đối đãi khách bằng tất cả tình cảm nhiệt thành nên họ cũng tỏ ra hài lòng. Riêng khách Nhật Bản tôi đánh giá họ rất quan tâm và tình cảm, họ đến còn tìm mua quà biếu tôi,” ông Nghiệp nói.

Quan điểm “làm nghề” của ông Nghiệp là coi khách như người thân, bạn bè, chỉ mong sao khách đến ở được vui lòng. Ông cũng chia sẻ về “ý đồ” mở rộng mô hình kinh doanh này ở toàn xã đảo nên muốn dẫn khách đến từng nhà, phối hợp với cả xã cùng chung tay làm du lịch để giải quyết việc làm cho bà con hàng xóm.

< Nhà cổ trong khu resort. ở Việt Hải.

Nhưng khó khăn lớn nhất với những hộ dân làm du lịch ở đây là không có kinh phí đầu tư xây dựng các khu công trình phụ, vệ sinh; thiếu trình độ, kỹ năng làm nghề...

Ông Nghiệp là địa chỉ được biết đến nhiều cũng bởi trên xã đảo vốn ít dân và trình độ thấp này ông Nghiệp là người hiếm hoi có kiến thức và ngoại ngữ nên dễ dàng tiếp cận được với du khách. “Làm nghề gì quan trọng nhất vẫn là trình độ và cái tâm. Tâm có trong thì việc làm mới sáng,” ông Nghiệp chia sẻ quan điểm.

Theo VietNamplus
Travel79.net

Đảo của đảo

No comments:

Post a Comment