Huyện Kinh Môn (Hải Dương) được thiên nhiên ban tặng nhiều vẻ đẹp hiếm có. "Đường biên” của huyện là hệ thống sông ngòi bao quanh, nhìn trên bản đồ giống như một hòn đảo có núi thấp, đồng xanh, với những con đường chạy dài thẳng tắp.
Đâu chỉ có thế, hệ thống sông ngòi nhỏ uốn lượn trên những cánh đồng ấy đã tạo thêm vẻ kiều diễm của vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Cách đến Kinh Môn
Từ Hà Nội các bạn có thể đi xe buýt 202 từ bến xe Lương Yên để về tới bến xe phía Tây Tp Hải Dương, hoặc sử dụng các tuyến xe đi Hải Phòng, tất cả các xe này đều qua địa phận Tp Hải Dương.
Hoặc từ Bến xe phía Tây bạn đón xe buýt 118 đi Đông Triều (tỉnh Quang Ninh) xe chay ngang Quốc lộ 5 đến đường 388 và kế đó là Thị trấn Kinh Môn.
Điểm du lịch ở Kinh Môn
Điểm đầu tiên tôi đến là đền Cao - An Phụ và tượng đài Trần Hưng Đạo trên dãy núi An Phụ, gồm một hệ thống núi thấp tiếp nối nhau hình rồng. Tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được đặt trên một đỉnh núi có độ cao gần 200m, thấp hơn đền Cao - thờ An sinh vương Trần Liễu chừng 50m, cách đền về phía trước 300m.
Vị trí đặt tượng Đại Vương thấp hơn đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu và tiến về phía trước, phù hợp với luân thường đạo lý dân tộc: Cha đứng trên, con đứng dưới và tiến lên phía trước, vị trí còn tạo nên sự ấm cúng, thiêng liêng thể hiện sự trung hiếu của một gia đình truyền thống Việt Nam.
Đi ngược lên vài trăm mét là đền An Phụ, còn gọi là đền Cao, có tên tự là An Phụ Sơn Từ, thuộc xã An Sinh. Đền được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII). Các công trình kiến trúc hiện nay được trùng tu, tôn tạo thời Nguyễn. Ngày nay, đền đang được Nhà nước trùng tu, tôn tạo các công trình, trồng lại rừng cây trên núi. Đền tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ, nơi đây sơn thủy hữu tình được sử sách ca ngợi là một trong những cảnh đẹp đáng du ngoạn. Từ An Phụ nhìn về hướng Tây Nam miền châu thổ bát ngát tận chân trời. Sông ngòi uốn lượn như những dải lụa nối tiếp nhau vô tận. Nếu nhìn về phía Đông Bắc dãy An Phụ như gần lại, kéo dài từ Tây sang Đông như một bức trường thành kỳ vĩ…”
Quả thật, với mỗi ai đến khu di tích này ngoài việc được du ngoạn trong một bầu không khí tươi xanh của thiên nhiên, đắm mình trong sự huyền bí của một cụm di tích trên đỉnh núi hình chóp nón.
Đứng trên đỉnh An Phụ, cao 146m so với mực nước biển, có thể nhìn bao quát cánh đồng xa xa, với những nhánh sông cong cong, uốn lượn, được "điểm trang” bởi những người làm nghề chài lưới, ngồi trên chiếc thuyền bé tẻo teo.
Cách đó chừng 3km là động Kính Chủ (còn gọi là động Dương Nham) nằm ở sườn núi phía Nam của núi Dương Nham, thuộc thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh. Động là danh xưng do vua Lê Thánh Tông (1446 - 1497) phong tặng. Qua 36 bậc đá, động mở toang, hoăm hoẳm vào lòng núi với 3 cửa hang lớn. Không gian động khá rộng phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt vô cùng kỳ thú.
Theo nghiên cứu, động từng là chốn cư trú của những người tiền sử. Bằng chứng là những hình động vật được khắc trên vách đá và công cụ lao động của người xưa đã được tìm thấy. Trong động còn có đường lên trời thông với đỉnh núi, đường xuống âm phủ, ăn xuống lòng sông Kinh Thầy. Với cảnh thiên tạo như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật, thờ Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả, Minh Không thiền sư.
Nhưng Kinh Môn không chỉ có vậy, nơi đây còn có nhiều di tích đền chùa gắn với các động nổi tiếng khác như, hệ thống chùa và khu di tích khảo cổ hang Nhẫm Dương, khu hang động chùa Mộ (xã Duy Tân); hang chùa Mộ (xã Tân Dân), hang Đốc Tít, động Hoàng Long (xã Minh Tân); đình Ngư Uyên (xã Long Xuyên); chùa Linh Ứng (xã Thăng Long)… tất cả được bố trí hài hòa trên nhiều xã, tạo cho khách thập phương sự hứng thú kỳ lạ trong hành trình hành hương. Chắc lẽ, chỉ trong một ngày không thể khám phá hết vẻ đẹp của một miền di tích, nhưng cũng đủ hun đúc trong tâm hồn khách phương xa những cảm xúc và ấn tượng đẹp.
Theo Đaidoanket
Travel79.net
No comments:
Post a Comment