(ĐNO) - Đình Anh Hải tọa lạc tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Theo lưu truyền trong dân gian, người có công đầu trong việc khai phá, lập làng An Hải là một phụ nữ có tên gọi là Bà Thân.
Ngày nay, tại phường An Hải Tây, có một ngôi chợ người dân quen gọi là chợ Bà Thân ( hoặc Hà Thân ). Bà là một lưu dân từ phía Bắc vào lập làng từ thời vua Lê Thánh Tông. Ban đầu có 6 tộc gọi là lục tộc tiền hiền, gồm: Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh.Về sau thêm nhiều tộc họ nữa như: Phạm, Phan, Hà, Đặng…
An Hải là mảnh đất đã sản sinh ra một nhân vật lịch sử nổi tiếng, một khai quốc công thần triều Nguyễn, đó là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761- 1829). Và chính ông đã có công lớn trong việc xây dựng, trùng tu tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng của làng An Hải.
Tương truyền, nhân dân An Hải đã dựng đình làng từ rất sớm, trước thời kỳ nhà Nguyễn (1802), theo dạng ba gian hai chái, kết cấu vì kèo, mái lợp tranh, vách gỗ trải qua thời gian, ngôi đình đã xuống cấp, vào năm 1827, Thoại Ngọc Hầu đã có chuyến về thăm quê hương An Hải.
Thể theo mong muốn của dân làng nông đã họp hương chức trong làng để bàn việc xây dựng, tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng trong đó có ngôi đình làng. Bia ký công của làng An Hải được lập vào năm Quý Sửu (1853) ghi công đức của Thoại Ngọc Hầu và 15 người dân trong làng đã đóng góp gạch ngói, tiền bạc, đất đai vào việc xây dựng đình chùa.
Đình An Hải được kiến trúc theo dạng ba gian hai chái, tường xây mái lợp ngói, có chính diện và hậu tẩm. Đình dài 12,95m, rộng 11,2m. Hậu tẩm xây theo dạng vòm cuốn dài 4,15m rộng 5,14m. Bên trong, đặt bàn thờ chính thờ thần.Trước cửa hậu tẩm có bức hoành lớn Chính điện có ba hàng cột vuông bằng gỗ mít, mỗi hàng 8 cột. Hai bên tả, hữu đặt hai ban thờ tiền hiền và hậu hiền, có đôi câu đối bẵng chữ Hán..Trong lịch sử tồn tại, đình An Hải là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và là cơ sở cách mạng của địa phương trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng An Hải là nơi quy tụ các lực lượng yêu nước, các tổ chức Đảng, Đoàn hội họp và huấn luyện chiến đấu, là điểm tập trung xuất phát tiến hành đấu tranh giành chính quyền tại xã An Hải, đồng thời là nơi lập chính quyền cách mạng khu Đông. Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đình An Hải trở thành địa điểm hoạt động của cơ sở cách mạng, là nơi cất giấu vũ khí; dùng cây đa trước ddinhf là đài quan sát theo dõi tình hình địch trong các trận càn, đặc biệt, luôn theo dõi hoạt động của giặc Pháp trong đồn Thông Mười (cách đình 300m về hướng Bắc) để từ đó tổ chức những lần xuất kích chống càn và tiêu diệt địch.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đình An Hải là nơi hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng, là điểm xuất phát để thực hiện treo băng, cắm cờ đỏ sao vàng trong những ngày lễ lớn. Trong Tổng tiến công Mậu Thân (1968) và chiến dịch xuân 1975, các lực lượng vũ trang cách mạng đã dùng đình làng để thành lập các bộ phận thông tin tuyên truyền, để kịp thời thông báo và kêu gọi lực lượng địch bỏ hàng ngũ ra đầu hàng chính quyền cách mạng.
Trong quá khứ và đến hôm nay, hằng năm nhân dân An Hải đều tổ chức lễ hội tại đình làng trong đó có nhiều trò chơi, các diễn xướng dân gian mang sắc thái địa phương,thu hútmọi tầng lớp người dân tham gia. Các ngày lễ chủ yếu (theo âm lịch) là :
- Ngày 02 tháng 3 giỗ tiền hiền.
- Ngày 10 tháng 3, tế Xuân cầu an, tổ chức tại đình và các miếu xóm trong làng.
- Ngày 6 tháng 6, giỗ hậu hiền, đồng thời kỷ niệm ngày mất danh nhân Toại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.
- Ngày 10 tháng 8, tế thu cầu an tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ.
Hiện nay, đình An Hải còn lưu được bốn sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng:
1 - Sắc năm Tự Đức thứ 30 (1877)
2 - Sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1886)
1 - Sắc năm Duy Tân nguyên niên (1907)
Đình An Hải được công nhận là di tích Lịch sử- Văn hoá cấp thành phố ngày 30/8/2006.
Theo Đà Nẵng.gov
Travel79.net
No comments:
Post a Comment