Saturday, March 8, 2014

'Chọc sàn' xưa và nay

(ĐBP) - “Bặc sao” (chọc sàn) là một tục đẹp trong tiến trình hôn nhân của trai gái dân tộc Thái. 

Từ quen nhau, yêu qua ánh mắt rồi mới đến chọc sàn; sau đó còn một chặng dài cha mẹ thưa chuyện, đám cưới, ở rể và tiếp đám cưới... đôi lứa mới về một nhà, nằm cùng một đệm.

< Những cô gái Thái mới lớn là đối tượng được trai bản đi “chọc sàn”.

Với chuyện chọc sàn, đáng tiếc nhiều người từ miền văn hóa khác hoặc chính thanh niên Thái hiện nay đã hiểu sai hoặc không đầy đủ về chuyện tình duyên của trai gái xứ hoa ban.

Nguyên bản chọc sàn

Bà Quàng Thị Rọn, 82 tuổi ở bản Na Hy (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) rất vui khi tôi hỏi chuyện chọc sàn. Bà nói chồng của bà đến chọc sàn bà năm bà 12 tuổi, ông phải ở rể 3 năm mới được làm đám cưới, rồi tiếp 9 năm ở rể nữa, bà mới theo ông về nhà. Chọc sàn, theo ông Hoàng Thím, dân tộc Thái, 74 tuổi (người duy nhất hiện nay của Điện Biên nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân Dân gian đàn tính năm 2003) là một kiểu giao duyên, ghi dấu cho tình yêu.

< Du An đang nghe bà Rọn kể chuyện năm 12 tuổi, "anh" đến chọc sàn.

Khi mùa vụ xong xuôi, thóc ngô về nhà, đợi gần khuya, chàng trai tìm đến nhà bạn gái... chọc sàn. Hành trang cho lần chọc sàn thường là một hoặc một vài nhạc cụ (pí pặp, loại sáo nhỏ bằng nứa; pí láo pắn, sáo dài 1,2m - 1,4m; nhị, tính tảu, đàn môi). Đến gần nhà cô gái, tiếng pí (tính tảu, đàn môi) cất lên cùng lời ca da diết, cảm thương: ... “Sưa khốp mu cang ná/ Khốp ma cang bản/ Côn điêu khỏi giản/ Khỏi len mà/ Kháy tu hởư khỏi/ Kháy tu hởư khỏi/ Noọng ơi! Noọng ơi!”. Có nghĩa là: Hổ cắn lợn giữa ruộng/ Cắn chó giữa bản/Một mình tôi, tôi sợ/ Tôi chạy về/ Mở cửa cho tôi/ Mở cửa cho tôi/ Em ơi, em ơi!

Chàng thổi pí, hát như móc trái tim của mình giơ lên. Nàng nằm đệm như trên đám gai. Tiếng pí gần lại, gần lại... Đến gầm sàn, chàng lấy một khúc gỗ nhỏ, dài độ 30cm - 50cm, chọc lên đúng chỗ nàng nằm. Là con trai Thái ai cũng biết gian đầu thờ tổ tiên, gian tiếp bố mẹ ngủ, rồi đến gian con trai, con gái.


< Các nhạc cụ thường dùng khi đi chọc sàn.

Chỉ còn tiếng cộc cộc trong đêm vắng. Nàng nghe thấy hết, đợi một lúc thì hỏi mấy câu thăm dò qua sàn xuống dưới. Hồi lâu, lời lên, lời xuống, nếu cảm thấy hợp nhau thì nàng nhón chân đi ra mở cửa, đón chàng vào nhà. Họ ngồi có thể trong nhà hoặc ra “cốc chan” (sàn ngoài), giữ một khoảng cách, không thắp đèn cứ chuyện nhỏ nhẹ trong bóng đêm. Nội dung câu chuyện là đi rừng, làm nương, cha mẹ, bạn bè... thỉnh thoảng xa gần chuyện đôi ta. Cứ chuyện như thế suốt đêm, đến sáng.

Đêm sau, nghe tiếng pí là nàng biết liền. Sau ba bốn đêm chuyện trò như thế thì chàng trai hỏi cô gái có nhất trí làm vợ mình không. Cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ mình và cho bố mẹ đến hỏi. Sau đó là giai đoạn ở rể, chàng trai ăn ngủ, làm lụng tại nhà ải mắt (bố vợ). Khi đó đôi lứa đã gần nhau nhưng vẫn ngủ riêng. Nhanh thì ba ngày, lâu thì một tháng sau bố mẹ chàng trai đi hỏi cưới. Sau đám cưới, đôi lứa mới chính thức là vợ chồng, được chung chăn đệm với nhau, sinh con đẻ cái.

Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Ơn (người được gọi là “Ông vua nhạc cụ dân tộc” của Điện Biên) hồi ông còn thanh niên ở bản Tâu (Thanh Nưa, huyện Điện Biên), đêm trước đám cưới đôi lứa được bố mẹ cho “Non báo non sào” (trai gái ngủ vợ chồng với nhau) để... “Biết hết nhau, thành vợ thành chồng không còn gì ân hận nữa”. Tiếp theo, khoảng sau ba đến sáu năm ở rể (tùy theo nhà gái yêu cầu); chàng trai còn phải một lần tạ ơn bố mẹ vợ đã sinh ra, nuôi dưỡng được vợ cho mình; một lần cưới cuối cùng đưa vợ về nhà nữa. Những lần cưới đó đều mời cả bản đến uống rượu chia vui, chứng kiến.

Và chọc sàn ngày nay

Theo thời gian... chọc sàn cũng biến đổi và đến bây giờ thì gần như mất hẳn. Lò Văn Anh (17 tuổi, hiện đang học lớp 11, trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên) mặc dầu thổi pí pặp làn điệu chọc sàn rất chuẩn nhưng cũng bảo: “Bây giờ bọn em chọc sàn bằng... di động thôi, thích nhau thì gọi ra được ngay!”. Còn Lò Thị Mai (quê xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) mới lấy chồng về TP. Điện Biên Phủ, khi hỏi về chuyện chọc sàn thì cười rũ rượi: “Không có đâu. Yêu nhau như mọi nơi khác thôi”.

Lớp người chọc sàn giao duyên kiểu truyền thống bây giờ cũng đã lên ông lên bà. Trai gái Thái hiện nay, hầu như không chọc sàn nữa, mà tỏ tình rất đơn giản như người Kinh. Thời mở cửa, đời sống vật chất đi lên, nhà sàn đan xen nhà đất mọi thứ cần nhanh tới đích. Tỏ tình không bằng tiếng cộc cộc dưới sàn nữa mà bằng nhắn tin, a lô... Ông Hoàng Thím kể chuyện lần ông về quê thấy đêm khuya các cháu đem ghi-ta ra gọi con gái mà tức. Ông Lò Văn Ơn đang cố gắng chế tác, truyền dạy các nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó có các nhạc cụ chuyên để chọc sàn nhưng xem ra tính hành dụng của nó rất thấp.

Ngày xưa ngồi bên nhau không có ngọn đèn làm chứng vẫn sáng trong đến ngày cưới. Ngày nay điện sáng thì rủ nhau lên đồi, ra bờ suối, ngoài quán ở phố tâm sự. Chuyện quan hệ tình dục trước đám cưới tương đối phổ biến dù không phải ở rể ngày nào. Ngày xưa “bay ỉn sao” (đi chơi gái) là đi chơi, nói chuyện với con gái; ngày nay “chơi gái” bị hiểu ngay là nghĩa đen thô thiển!

Ngành văn hóa Điện Biên, cũng như các tỉnh có đồng bào Thái sinh sống đã phục dựng nhiều lễ hội, nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái trong đó có tái hiện cảnh chọc sàn. Nhưng xem ra việc chọc sàn sân khấu hóa không đi được vào đời sống, môi trường hiện đại. Vẫn biết xã hội luôn phát triển, thời gian sẽ thanh lọc những gì còn lại phù hợp nhất. Nhưng nghe câu chuyện chọc sàn và nhiều nét đẹp truyền thống khác của các dân tộc cùng với tiếng thở dài của người già... tôi lại buồn.

Tiếp theo: Lên bản Hèo nghe kể chuyện chọc sàn

Theo Du An (báo Điện Biên Phủ)
Travel79.net

No comments:

Post a Comment